Trên suốt chặng đường bôn ba qua nhiều châu lục, cuộc sống lao động đầy gian khổ đã không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn và mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định, thôi thúc Người tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế đã dẫn dắt người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành nhà hoạt động cách mạng quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc. Sớm nhận thức được xu thế phát triển của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười Nga mở ra, Người đã khám phá ra chân lý “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Khi đọc bản Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã vui mừng reo lên “Ðây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Người nhận thức sâu sắc rằng cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản do Ðảng của giai cấp công nhân lãnh đạo và con đường phát triển tất yếu của cách mạng giải phóng dân tộc là tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, chỉ có làm cách mạng xã hội chủ nghĩa mới giữ vững và phát huy được những thành quả của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, đó là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Ðảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ðộc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử của xã hội Việt Nam, trở thành quan điểm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Ðó chính là Ðường kách mệnh cho dân tộc ta mà Người đã chọn.
Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong suốt hơn 83 năm qua, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử. Ðó là thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngay sau khi cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “... Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Người khẳng định “Ðời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp... Ðó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà và công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta”. Trong điều kiện cả nước phải dồn sức cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Ðảng ta đã kiên định con đường mà Người đã chọn - thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa được xác định là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ.
Ðại hội lần thứ III của Ðảng năm 1960 đã đề ra đường lối tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Ðại hội xác định “Xây dựng một nền kinh tế - xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện đại”. Trong điều kiện chiến tranh, đất nước bị chia cắt, cơ chế kế hoạch hóa tập trung và chủ trương công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, ưu tiên công nghiệp nặng đã góp phần quan trọng trong việc huy động và tập trung nguồn lực cho công cuộc giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tuy nhiên, khi đất nước hoàn toàn độc lập, toàn cầu hóa kinh tế, hòa bình, hợp tác và phát triển trở thành những xu thế lớn của thời đại thì mô hình này trở nên lạc hậu, kém hiệu quả, kìm hãm sự phát triển.
Tại Ðại hội lần thứ VI năm 1986, Ðảng ta đã phát động công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra xung lực phát triển mới, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, đi vào quỹ đạo tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng năm 1996 đề ra chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, quốc phòng - an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Ðặc biệt, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,26%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao, đạt gần 15%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; năng lực sản xuất và tiềm lực kinh tế của đất nước không ngừng tăng lên, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 tăng gấp 3,26 lần năm 2000, góp phần đưa nền kinh tế vượt qua tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á (1997 - 1998) và khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (2008 - 2009). Ðời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng, công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được những thành tựu nổi bật, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2 - 3%/năm; thu nhập thực tế bình quân theo đầu người tăng hơn 2 lần. Ðến nay nước ta đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đề ra cho năm 2015. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 - 2020 được thông qua tại Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đã đưa ra một hệ thống các quan điểm, mục tiêu và các giải pháp lớn, gắn kết với nhau hình thành một chỉnh thể phát triển theo nội dung cốt lõi của Chiến lược được soi rọi bởi tư tưởng Hồ Chí Minh./.