Chi tiết tin

KINH NGHIỆM TỪ CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA “GIỎI VIỆC NƯỚC, ĐẢM VIỆC NHÀ” VÀ “PHỤ NỮ TÍCH CỰC HỌC TẬP, LAO ĐỘNG SÁNG TẠO, XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC”

Người đăng: Admin Công đoàn Ngày đăng: 16:47 | 18/10 Lượt xem: 4978

Công đoàn tỉnh Quảng Nam hiện có 1.848 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc, với tổng số 138.642 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), trong đó 86.416 là nữ (chiếm 62,3%); có 1.293 Ban Nữ công quần chúng và 555 tổ nữ công CĐCS.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, nữ CNVCLĐ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong học tập, công tác, trong sản xuất, kinh doanh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động từ năm 1989 và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ năm 2002, là những phong trào lớn của nữ CNVCLĐ, vừa là động lực để chị em phấn đấu, vừa là cơ hội để chị em phát huy tiềm năng, trí tuệ, lao động giỏi, lao động sáng tạo, vươn lên khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội.

Đ/c Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam và đ/c Phan Xuân Quang – TUV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
tặng hoa cho các đồng chí lãnh đạo nữ công đoàn các cấp tại Hội nghị tổng kết 10 năm
thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH và Chỉ thị số 03/CT-TLĐ giai đoạn 2010-2020

Giỏi việc nước” được gắn với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế đất nước; phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
“Đảm việc nhà”, nội dung bao hàm là xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ), phòng chống các tệ nạn xã hội, đoàn kết, nhân ái, quan tâm tới mọi người trong cộng đồng xã hội.
Phong trào thi đua này đã được triển khai sâu rộng, với nhiều mô hình đa dạng, các tiêu chí thi đua đã được cụ thể hóa và tên gọi phong trào cho phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực công tác,… đã thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia. Hằng năm, trên cơ sở chương trình, kế hoạch của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của LĐLĐ tỉnh và chương trình phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ, cán bộ nữ công công đoàn các cấp đã tham mưu cho ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn, lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và vận động nữ CNVCLĐ tham gia, với năng suất, chất lượng, hiệu quả tốt nhất. Các chị luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc, với đức tính chăm chỉ cần cù, chịu khó, các chị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Các chị cũng là những cán bộ tâm huyết, có khả năng vận động quần chúng, luôn hăng say công tác xã hội, hoạt động công đoàn vì người lao động, đặc biệt là lao động nữ; luôn suy nghĩ, tìm tòi để cùng tập thể ban chấp hành công đoàn có giải pháp tốt nhất nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nữ CNVCLĐ.
Thực tiễn hoạt động trong 5 năm (2016-2021), đã có hàng chục nghìn lượt chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp tỉnh, huyện, thành phố, ngành và cấp cơ sở; có 4.117 chị được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 179 chị được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Tổng, bộ, ngành…”, 08 chị được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú”, 09 chị được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú”, 02 chị được tặng “Bằng lao động sáng tạo” và hàng nghìn “Sáng kiến kinh nghiệm” trong lao động, sản xuất của nữ CNVCLĐ được các cấp công nhận; 603 chị được đào tạo cử nhân, cao cấp lý luận chính trị; 4.551 chị được đào tạo trung cấp lý luận chính trị hàng nghìn chị được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, tay nghề…; có hàng trăm tập thể, cá nhân nữ CNVCLĐ được tặng cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, của LĐLĐ tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh…; hàng nghìn lượt nữ đoàn viên, CNVCLĐ và gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu được biểu dương, tôn vinh ở các cấp, tiêu biểu như: chị Phạm Thị Ngọc Quyên, chị Nguyễn Thị Thúy Kiều thuộc CĐCS Sở Thông tin-Truyền thông, chị Cao Thị Thắm thuộc CĐCS Công ty giày Riker, chị Lưu Thị Huỳnh Nga thuộc CĐCS Công ty CP Đồng Tâm miền Trung…; Nhà giáo ưu tú có cô Nguyễn Thị Bích Trâm - Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, cô Nguyễn Thị Kim Tình - Trường Tiểu học Kim Đồng, cô Lê Thị Vy - Trường Mẫu giáo Trà Tân…; Thầy thuốc ưu tú có Huỳnh Thị Thanh Thúy - Bệnh viện Nhi Quảng Nam, Nguyễn Thị Nha - Sở Y tế, Nguyễn Thị Vân - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh…   
Những thành tích đó không chỉ là kết quả sự nỗ lực phấn đấu, mà còn là minh chứng khẳng định chức năng đại diện của cán bộ nữ công Công đoàn các cấp trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của lao động nữ.
Tuy nhiên phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”“Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trong nữ CNVCLĐ hoạt động vẫn chưa đồng đều, tập trung chủ yếu trong đội ngũ nữ CNVCLĐ khối hành chính sự nghiệp. Riêng ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao, chưa thu hút, lôi cuốn được nhiều lao động nữ tham gia. Trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của một bộ phận nữ CNVCLĐ chưa đáp ứng được với yêu cầu. Bên cạnh đó, còn một số chị em tự ty, an phận, không dám vươn lên để khẳng định mình. Việc phát hiện, bồi dưỡng, phát triển nhân tố mới là lao động trực tiếp chưa nhiều.
Việc triển khai và bình xét danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” còn lúng túng, tỷ lệ nữ CNLĐ trực tiếp sản xuất được khen thưởng chưa tương xứng.
Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” là một phong trào thi đua phù hợp tính chất về giới, thật sự có ý nghĩa to lớn, tích cực đối với chị em nữ CNVCLĐ và xã hội. Từ phong trào đã tạo cho nữ CNVCLĐ có một điểm tựa tinh thần vững chắc, là động lực để chị em phát huy phẩm chất, năng lực của mình, phát huy được hết thế mạnh của giới, vị thế của phụ nữ đã được khẳng định, chất lượng cuộc sống của chị em đã được nâng lên đáng kể, đã tạo được những bước chuyển biến quan trọng, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực lao động sản xuất, công tác, xã hội và gia đình.
Trong quá trình triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, có thể rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Luật Bình đẳng giới, các văn bản pháp luật liên quan, Nghị quyết số 6b/NQ-BCH, ngày 29/01/2011 về “Công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” và Chỉ thị số 03/CT-TLĐ, ngày 18/8/2010 về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ trong tình hình mới.
Hai là, tham mưu cho cấp ủy Đảng và phối hợp với chính quyền cùng cấp thực hiện tốt mục tiêu của phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Ba là, xây dựng củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ nữ công đoàn các cấp, là những chị em có uy tín, bản lĩnh vững vàng, có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm và nhiệt huyết với phong trào; vận động, tập hợp đông đảo nữ CNVCLĐ trong mọi thành phần kinh tế tham gia vào các phong trào thi đua từ cơ sở.
Bốn là, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động, phát huy sức mạnh tập thể và sự chủ động sáng tạo của mỗi nữ CNVCLĐ; tạo động lực cho sự phát triển của đơn vị, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Năm là, chủ động đề xuất, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới. Hướng dẫn lao động nữ ký kết hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động; thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT có những nội dung lao động nữ được hưởng quyền lợi cao hơn so với quy định của pháp luật.
Tham gia tích cực trong việc chăm lo và cải thiện điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho lao động nữ...,để phát huy trí tuệ, tâm huyết, sáng tạo của lao động nữ…trong công việc, sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả phát triển bền vững của đơn vị, doanh nghiệp.
Sáu là, quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; phối hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp tập trung đề xuất các chính sách liên quan như: nhà ở, bếp ăn tập thể, khu vực vệ sinh, khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ, chăm sóc sức khỏe sinh sản…; thực hiện “Doanh nghiệp thân thiện với trẻ nhỏ” trong việc hỗ trợ cho lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian làm việc, trang bị buồng vắt, trữ sữa; xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ cho lao động nữ, khen thưởng con công nhân lao động vượt khó, học giỏi…
Bảy là, kịp thời tôn vinh, biểu dương những tài năng sáng tạo nữ, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và các cuộc vận động; phát hiện nữ CNVCLĐ ưu tú để đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu tham gia đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và giới thiệu chăm lo bồi dưỡng phát triển Đảng, nhất là nữ CNLĐ trực tiếp sản xuất.
Với nỗ lực của từng bản thân chị em cùng với sự quan tâm của Đảng, các cấp chính quyền, các cấp công đoàn, đội ngũ nữ CNVCLĐ, nữ cán bộ công đoàn, cán bộ nữ công sẽ ngày càng trưởng thành, lớn mạnh xứng đáng là lực lượng tiên phong của phụ nữ cả nước trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, lao động sáng tạo góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong thời gian tới, mỗi cán bộ nữ CNVCLĐ cần tiếp tục phát huy thật tốt vai trò của người cán bộ công đoàn, tích cực vận động chị em nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, phát huy truyền thống chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong học tập, lao động, nghiên cứu, rèn luyện bản thân, nâng cao trình độ về mọi mặt, vươn lên trong cuộc sống, đạt nhiều thành tích hơn nữa trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Tác giả: Kim Thanh

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:





Truyền hình lao động và công đoàn


    Liên kết website

    BẢN QUYỀN LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NAM
    Giấy phép :15/GP-TTĐT
    Địa chỉ : 10 Trần Phú - TP.Tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam
    Điện thoại : 02353.852.510 - Fax : 02353.812.395
    Email: congdoanqnam@gmail.com
    Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

    Tổng số lượt truy cập

    00006338544