Chi tiết tin

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ ĐỘ TUỔI MẦM NON LÀ CON CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Người đăng: Admin Công đoàn Ngày đăng: 14:20 | 30/09 Lượt xem: 7493

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là chủ nhân tương lai của đất nước. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước. Trong đó, môi trường phát triển trẻ trong những năm đầu đời là nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố căn bản về nhân cách cho trẻ em trong tương lai; chính vì vậy, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam luôn đồng hành cùng với các ngành, các cấp và mỗi gia đình trong việc chăm lo, phát triển, bảo đảm cho mọi trẻ em được tiếp cận môi trường nuôi dạy, giáo dục tốt nhất, tạo mọi điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện cả về trí lực, thể lực và tâm lực.

Các cô Trường Mẫu giáo Hương Sen - thành phố Tam kỳ tổ chức Trung thu cho các cháu
Những năm qua, Quảng Nam tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN). Hiện nay, toàn tỉnh có 11 khu công nghiệp với hơn 53.000 lao động và 58 cụm công nghiệp với hơn 30.000 lao động. Các KCN, CCN đang ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Việc phát triển nhanh các KCN, CCN với số lượng lớn công nhân lao động (CNLĐ), cũng dẫn đến nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến an sinh xã hội, khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế - xã hội. Trong đó, giáo dục là vấn đề mà người lao động tại các KCN, CCN lo lắng và bậc học chịu áp lực nhiều nhất là mầm non. Do số CNLĐ tại các KCN, CCN đông, đa số là lao động trẻ, dẫn đến số học sinh trong độ tuổi mầm non tăng cao. Trong khi đó, trường lớp công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ. Hiện nay, các cơ sở giáo dục mầm non công lập chỉ huy động được khoảng trên 45% số trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh ra lớp, do vậy trong những năm qua, giáo dục mầm non ngoài công lập ở Quảng Nam phát triển mạnh.
Theo thống kê của ngành Giáo dục, đến nay toàn tỉnh có 288 trường mầm non, mẫu giáo (226 trường công lập và 62 trường ngoài công lập); 3.531 nhóm, lớp mầm non, trong đó có 1.404 nhóm lớp ngoài công lập (riêng nhóm lớp độc lập tư thục là 986 nhóm, lớp). Riêng trẻ mầm non là con CNLĐ làm việc tại các KCN, CCN đang theo học tại cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh là 9.573/86.600 trẻ, chiếm tỷ lệ 11,1%.
Nhu cầu gửi con ở độ tuổi dưới 6 tuổi của người lao động làm việc tại các KCN, CCN là rất lớn, nhưng hiện nay, tại các KCN, CCN chưa được quan tâm xây dựng cơ sở giáo dục mầm non. Trong khi đó, các trường mầm non ngoài công lập và nhóm lớp độc lập tư thục phát triển mạnh với tốc độ nhanh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không ổn định, phần lớn giáo viên mầm non làm việc tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục chủ yếu được đào tạo theo hình thức liên kết, vừa học vừa làm… nên chất lượng còn nhiều hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đảm bảo quy định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ.
Một điều bất cập nữa là đa số CNLĐ làm việc tại các KCN, CCN đều ở xa, họ phải đi làm sớm, về muộn. Do đó, họ phải gửi con ở các nhà trẻ tư nhân, nhóm trẻ gia đình hoặc nhờ cha mẹ, người thân trông giúp. Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều nhóm trẻ độc lập tư thục tự phát, có quy mô nhỏ được người dân tự tổ chức trông giữ trẻ theo nhu cầu của phụ huynh. Những nhóm này nằm rải rác trong các khu dân cư, chưa được chính quyền sở tại cho phép thành lập hoạt động; một số nhóm, lớp được cho phép thành lập nhưng sĩ số trẻ/nhóm, lớp vượt quá mức so với quy mô được cấp thẩm quyền cho phép hoạt động; người chăm sóc trẻ chưa có kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở này.
Trong các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, hiện nay, chỉ Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc có 01 Trường mầm non Quang Hiếu (thuộc thiết chế Công đoàn, hợp đồng với Công ty TNHH Thực phẩm Quang Hiếu thực hiện) với diện tích khuôn viên xây dựng cơ sở mầm non là 3.000m2, có 07 phòng học (57m2/phòng); các phòng đều đã trang bị đầy đủ trang thiết bị nuôi dạy trẻ, đèn chiếu sáng, quạt treo tường, phòng vệ sinh, đáp ứng nuôi dạy 30 trẻ/phòng. Tuy nhiên, do xa khu dân cư, xa nhà ở của CNLĐ, hiện nay chỉ có 09 trẻ được gửi vào với mức ưu đãi 624.000/cháu/tháng.
Nhằm tạo môi trường chăm sóc, giáo dục, phát triển trẻ em một cách toàn diện; đồng thời tạo điều kiện cho CNLĐ có nơi thuận tiện để gửi trẻ, yên tâm lao động sản xuất, thiết nghĩ cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là việc thực hiện quyền trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích đối với nhóm trẻ độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn tỉnh.
2. Tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em; các văn bản liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về công tác trẻ em.
3. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng nuôi dạy trẻ cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên mẫu giáo, giáo viên nhà trẻ… giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ em.
4. Tăng cường quản lý Nhà nước đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục theo phân cấp quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhóm, lớp độc lập tư thục. Đồng thời, cần đưa nội dung, tiêu chí xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích vào tiêu chuẩn, điều kiện thành lập nhóm, lớp độc lập tư thục, và chỉ công nhận, ra quyết định thành lập đối với nhóm, lớp độc lập tư thục đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, đảm bảo an toàn cho trẻ.
5. Cần xây dựng cơ chế phối hợp trong việc quản lý và giám sát hoạt động của các ban, ngành, hội, đoàn thể, phụ huynh và người dân trong việc giám sát hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại các nhóm trẻ độc lập tư thục.
6. Đề nghị UBND tỉnh khi xây dựng phương án phát triển nhà ở cho CNLĐ đi đôi với xây dựng cơ sở giáo dục mầm non tại các KCN, CCN để CNLĐ thuận tiện trong việc gửi con, yên tâm làm việc.
7. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong các KCN, CCN dành nguồn kinh phí nhất định xây dựng các trường mầm non, đảm bảo đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của CNLĐ, giảm hiện tượng các nhóm lớp mầm non xuất hiện tự phát không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Có nhà trẻ, mẫu giáo an toàn không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, cho sự phát triển của doanh nghiệp mà còn góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tương lai của địa phương, đất nước.
Phát triển nguồn nhân có chất lượng là một nội dung trong 03 khâu đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Điều đó hãy bắt đầu từ bậc mầm non, hy vọng trong thời gian đến, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội, trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung, trẻ em con CNLĐ trong các KCN, CCN sẽ được quan tâm, chăm sóc, giáo dục một cách toàn diện, chu đáo hơn./.

Tác giả: Ngọc Ánh

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:





Truyền hình lao động và công đoàn


    Liên kết website

    BẢN QUYỀN LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NAM
    Giấy phép :15/GP-TTĐT
    Địa chỉ : 10 Trần Phú - TP.Tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam
    Điện thoại : 02353.852.510 - Fax : 02353.812.395
    Email: congdoanqnam@gmail.com
    Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

    Tổng số lượt truy cập

    00006319586