Chi tiết tin

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA CÔNG NHÂN, LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NAM VÀ NHỮNG KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

Người đăng: Nguyễn Thị Thu Hiền Ngày đăng: 15:35 | 12/09 Lượt xem: 685

Đội ngũ công nhân, lao động tỉnh Quảng Nam hiện nay.
Quảng Nam là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao; có nhiều tuyến giao thông, cảng biển, sân bay, cửa khẩu kết nối với nhiều vùng, miền, các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chính vì thế, trong gần 40 năm thực hiện đường lối của Đảng, nhất là từ khi tỉnh Quảng Nam tái lập (1997), với nhiều cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, nền kinh tế của địa phương đã phát triển mạnh mẽ; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm (1997-2021) đạt gần 9,2%/ năm; quy mô nền kinh tế gấp hơn 40,3 lần so với năm 1997; GRDP bình quân đầu người gấp 38 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 10/14 khu công nghiệp, 58 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Quảng Nam cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước có khu kinh tế mở - Khu kinh tế mở Chu Lai. 
Cùng với quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đội ngũ công nhân, lao động tỉnh Quảng Nam ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đa dạng về thành phần. Trước thời điểm năm 1997, cả tỉnh ước tính có trên 15.000 công nhân, lao động, đến đầu năm 2024 đã lên đến 101.000 công nhân, lao động, tăng gấp 7 lần.  Đội ngũ công nhân, lao động chủ yếu trên các lĩnh vực cơ khí, dệt may, da giày, điện, viễn thông, dịch vụ du lịch, chế biến thủy sản. Trình độ chuyên môn, tay nghề, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao ngày càng được nâng cao.
Trong những năm qua, tình hình việc làm, đời sống của công nhân, lao động trong tỉnh cơ bản ổn định, tình hình tranh chấp lao động ít diễn ra và được giải quyết kịp thời, không để xảy ra điểm nóng về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và tổ chức công đoàn đã có nhiều cơ chế, chính sách và hoạt động nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, lao động; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Nhìn chung, công nhân, lao động tỉnh Quảng Nam hiện nay có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, chấp hành tốt pháp luật, thích ứng với lao động trong môi trường công nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế luôn có nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19, đơn hàng bị đứt gãy do chiến tranh, xung đột diễn ra trên thế  giới nên nhiều công nhân, lao động bị cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, giản việc, thu nhập thấp … Số lượng công nhân, lao động có thời điểm bị sụt giảm, việc tuyển dụng mới của một số doanh nghiệp gặp khó khăn.
Đặc điểm của công nhân, lao động tỉnh Quảng Nam hiện nay
Đội ngũ công nhân, lao động tỉnh Quảng Nam hiện nay có một số đặc điểm  quy định những mặt mạnh và mặt hạn chế của mình:
- Đa số công nhân, lao động xuất thân từ nông dân trong tỉnh nên có nhiều gắn bó với nông thôn, nông dân và nông nghiệp; lao động nữ chiếm tỷ lệ cao.
Trong những năm qua, nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam có bước chuyển dịch lớn, giá trị công nghiệp, thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Tuy nhiên, nhìn chung, Quảng Nam cơ bản vẫn là tỉnh nông nghiệp với lực ượng lao động nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 36,8 %; giá trị nông-lâm-thủy sản tuy chiếm tỷ trong không cao (14,08%) nhưng là bà đỡ cho nền kinh tế và đời sống của người lao động. Đa số công nhân, lao động tỉnh Quảng Nam vẫn sống với gia đình, do đó ít bị chi phối về chỗ ở, có nhiều thời gian trong việc chăm sóc con cái, giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, thành phần xuất thân này sẽ có sự thay đổi trong thời gian đến khi quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh, dân cư đô thị tăng lên và sẽ đặt ra nhiều vấn đề về chỗ ở, công tác quản lý nhà nước đối với công nhân, lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Về giới tính, tỷ lệ nữ bình quân chiếm khoảng 60 % và trong một số lĩnh vực tỷ lệ này cao hơn, nhất là ở các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến thủy sản… Điều này đặt ra vấn đề cần chăm lo nhiều mặt cho lao động nữ, nhất là sức khỏe, chế độ thai sản, nuôi con nhỏ.
- Đội ngũ công nhân, lao động có ý thức kỷ lao động cao và nhanh chóng thích nghi với môi trường công nghiệp.
Quảng Nam hiện có trên 8.000 doanh nghiệp, tuy nhiên đa phần có quy mô nhỏ, bình quân 11 lao động/1 doanh nghiệp. Trong đó, chỉ có 291 doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên, doanh nghiệp có từ 10 lao động đến dưới 25 lao động có 81/325, còn lại dưới 10 lao động.
Bên cạnh đó, đa phần công nhân, lao động phân tán ở 10 khu công nghiệp và 58 khu công nghiệp, ngoài ra nhiều công nhân, lao động làm việc ở nhiều doanh nghiệp ở các điểm công nghiệp, doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn rộng lớn của tỉnh.
Tuy chưa đông về số lượng, lại bị phân tán nhưng ý thức kỷ luật lao động cao và nhanh chóng thích nghi với môi trường công nghiệp; tỷ lệ vi phạm kỷ luật lao động thấp.
- Đội ngũ công nhân, lao động không ngừng chuyển dịch về cơ cấu nghề nghiệp; không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt; tích cực tham gia các hoạt động quản lý xã hội, quản lý doanh nghiệp xã hội.
Về cơ cấu thành phần kinh tế, công nhân, lao động ở Quảng Nam phân bố như sau; doanh nghiệp nhà nước: 1.027; doanh nghiệp có vốn liên doanh với nước ngoài: 1.844; doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài: 55.979; công ty cổ phần: 18.197; công ty trách nhiệm hữu hạn: 17.761; sự nghiệp ngoài công lập: 2.232;  nghiệp đoàn: 2.853; còn lại là các loại hình khác (Số liệu tính đến ngày 30/6/2024).
So với những năm trước đây, công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở Quảng Nam đã có nhiều lĩnh vực áp dụng những thành tựu mới về khoa học- công nghệ. Đáng lưu ý trong chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng khoa học cao, trong đó ưu tiên vùng Đông của tỉnh. Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng bắt đầu hình thành. Đây là những điều kiện giúp đội ngũ công nhan, lao động của tỉnh nâng cao tỷ lệ có tay nghề cao.
Chính sự thay đổi đó dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu lao động và ngày càng đa dạng và sẽ ngày càng thay đổi trong thời gian đến.
Đáng chú ý, công nhân, lao động tỉnh Quảng Nam ngày càng tích cực tham gia các hoạt động quản lý doanh nghiệp, quản lý xã hội. Đáng kể, thông qua người đại diện của mình để đối thoại với chủ sử dụng lao động, với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, tham gia hội nghị người lao động và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, người lao động đã phát huy được vai trò của mình trong việc tham gia định hướng phát triển doanh nghiệp, xây dựng mối quan hài hòa, ổn định và tiến bộ, giảm thiểu việc tranh chấp lao động.
Đặc biệt, công nhân, lao động đã tích cực tham gia các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là Công đoàn Việt Nam. Tính đến ngày 10/4/2024, toàn tỉnh Quảng Nam có 372 doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên đã thành lập được tổ chức công đoàn. Công đoàn trong các doanh nghiệp đã thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. 
Những kiến nghị, đề xuất
Dự báo trong những năm đến, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, đội ngũ công nhân, lao động tỉnh Quảng Nam sẽ có nhiều thay đổi cả về số lượng, cơ cấu, trình độ, tay nghề. Từ tình hình trên, xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung nhằm xây dựng đội ngũ công nhân, lao động tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến, như sau:
Một là, cần dự báo kịp thời, có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn sự biến động của công nhân, lao động.
Yêu cầu của sự phát triển đất nước, của từng địa phương và hội nhập quốc tế đòi hỏi đẩy mạnh quá trình phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động đến việc chuyển dịch lao động và  yêu cầu ngày càng cao về tay nghề của công nhân, lao động. Yêu cầu đó sẽ đưa đến sự phát triển mạnh của công nhân, lao động cả về số lượng và chất lượng, thay đổi nhanh thành phần xuất thân, tỷ lệ nữ, tuổi đời, cơ cấu nghề nghiệp trong thời gian đến.  
Có dự báo sớm, kịp thời mới có đủ cơ sở đánh giá đầy đủ về giai cấp công nhân, từ đó xác định các cơ chế, chính sách phù hợp với từng đối tượng công nhân, lao động gắn với nghề nghiệp, giới tính, tuổi đời, trình độ, địa bàn và cho từng thời kỳ, giai đoạn.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo nhận thức đầy đủ các quan điểm của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân ngày càng hiện đại, lớn mạnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền để gây nhận thức đầy đủ về lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Bên cạnh đó cần tuyên truyền về Công đoàn Việt Nam “xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”theo tinh thần Nghị quyết số 02- NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền về thời cơ, thách thức, những tác động, nguy cơ đối với công nhân, lao động.
Khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, các cơ quan liên quan cần tuyên truyền, định hướng và nâng cao nhận thức cho đội ngũ công nhân, lao động về những tác động đối với bản thân, từ đó có ý thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, ý thức kỷ luật lao động, xây dựng tác phong công nghiệp.
Tuyên truyền, vận động công nhân, lao động nhận rõ các luận điệu tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo công nhân, lao động thực hiện các mưu đồ đem tối; tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng và vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Bốn là, xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, là chỗ dựa, niềm tin của công nhân, lao động.
Cần xác định việc tập hợp, thu hút ngày càng đông đảo công nhân, lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam là khâu đột phá trong thời gian đến. Muốn vậy, các cơ quan, đơn vị, các địa phương có liên quan cần có kế hoạch hoạt động cụ thể và hiệu quả công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; mặt khác các cấp công đoàn phải phối hợp với các cơ quan liên quan nắm chắc nguồn phát triển đoàn viên, trong đó tập trung ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, lực lượng lao động phi chính thức.
Tăng số lượng biên chế cán bộ chuyên trách công đoàn, nhất là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết công nhân, lao động.
Năm là, làm tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động.
Các cấp công đoàn và các cơ quan chức năng  cần nâng cao chất lượng tham gia ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật về lao động và công đoàn; nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp,... Công đoàn cũng cần làm tốt vai trò cầu nối kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình quản lý của doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động và công đoàn, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân, lao động và hoạt động của Công đoàn Việt Nam theo luật định.
Tóm lại, trong bối cảnh mới, cũng như giai cấp công nhân cả nước, đội ngũ công nhân, lao động tỉnh Quảng Nam có những đặc điểm mới so với trước đây. Do đó cần có đánh giá đầy đủ về những đặc điểm này để từ đó có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm xây dựng đội ngũ công nhân, lao động trong tỉnh không ngừng nâng cao về số lượng, chất lượng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày một hiện đại, lớn mạnh như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định.

Tác giả: Phan Xuân Quang

Nguồn tin: LĐLĐ tỉnh Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:





Truyền hình lao động và công đoàn


    Liên kết website

    BẢN QUYỀN LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NAM
    Giấy phép :15/GP-TTĐT
    Địa chỉ : 10 Trần Phú - TP.Tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam
    Điện thoại : 02353.852.510 - Fax : 02353.812.395
    Email: congdoanqnam@gmail.com
    Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

    Tổng số lượt truy cập

    00005798431