Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định: “An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động” và “Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động”. Như vậy, ATVSLĐ là giải pháp hạn chế người lao động (NLĐ) bị các thương tổn, sức khỏe gây ra bởi các yếu tố nguy hiểm khi làm việc. Vì lẽ đó, Ban Bí thư rất quan tâm khi ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 về về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Ngày 21/5/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 51/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động. Đối với hệ thống Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 10c/NQ-BCH ngày 12/01/2017 về nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, Kết luận số 08/KH-TLĐ ngày 11/01/2023 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10c/NQ-BCH ngày 12/01/2017; Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25/02/2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”, Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18/01/2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH và hằng năm đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác ATVSLĐ trong các cấp công đoàn. Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” là một phong trào thi đua lớn được triển khai trong các cấp công đoàn từ năm 1996 đến nay.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ là góp phần thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho NLĐ, hằng năm LĐLĐ tỉnh đã yêu cầu và hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai thực hiện và phối hợp với chủ sử dụng lao động trong việc phân công cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ, thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV), tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ cho NLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp,... Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 1.521 an toàn vệ sinh viên hoạt động tại 299 đơn vị sản xuất. Các công đoàn cơ sở thường xuyên tổ chức phát động phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”, tham gia xây dựng các công trình, các đề tài, sáng kiến liên quan đến ATVSLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện môi trường và điều kiện lao động. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho người lao động cũng được doanh nghiệp quan tâm thực hiện, qua đó phân loại sức khỏe để có hướng sắp xếp lại lao động phù hợp với sức khoẻ, tay nghề của người lao động và có giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp, những yếu tố độc hại ảnh hưởng sức khỏe người lao động; thực hiện tốt việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.
Bên cạnh đó, hằng năm các cấp công đoàn trong toàn tỉnh còn chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Lao động thương binh và xã hội, ngành Y tế tham gia việc thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp nhằm phát hiện, kiến nghị và yêu cầu khắc phục các vi phạm về nguy cơ mất ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi và an toàn cho NLĐ,…. Năm 2023 và Tháng hành động ATVSLĐ năm 2024, LĐLĐ tỉnh tham gia thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại 39 doanh nghiệp; tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các quy định của pháp luật về việc bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm đối với bữa ăn ca, bếp ăn tập thể tại 06 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, các cấp công đoàn đã chủ trì và tham gia giám sát 118 cuộc.
LĐLĐ tỉnh thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ đến đoàn viên, CNVCLĐ, chủ sử dụng lao động thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, cấp, phát tờ rơi,….; vận động đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia các cuộc thi, hội thi do LĐLĐ tỉnh hoặc cấp trên tổ chức. Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 02 lớp tập huấn về công tác an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường cho 200 đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở đã tổ chức 15 lớp tập huấn với gần 2.000 đoàn viên, người lao động tham gia. Tại các lớp tập huấn, học viên được truyền tải thêm nhiều kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; các yếu tố nguy hiểm, có hại trong quá trình lao động để xây dựng các biện pháp phòng tránh có hiệu quả; kỹ năng, phương pháp hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên,…. Riêng cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về ATVSLĐ” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức bằng hình thức thi trực tuyến, từ ngày 15/4/2024 – 15/5/2024 được đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ tỉnh nhà tích cực hưởng ứng, với trên 5.100 lượt truy cập dự thi tạo nên sức lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên, CNVCLĐ toàn tỉnh.
Trong năm 2023, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ đột xuất cho 621 đoàn viên, công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, thiên tai, dịch bệnh và 07 trường hợp khác với tổng số tiền hỗ trợ là 637,5 triệu đồng. Nhân Tháng hành động ATVSLĐ, Tháng công nhân năm 2024, LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 547 đoàn viên, công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, với số tiền 547 triệu đồng.

Đồng chí Lưu Văn Thương, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thăm và trao quà cho đoàn viên Võ Thị Bích Thủy, CĐCS Công ty Giày Rieker Việt Nam
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động chưa coi trọng công tác ATVSLĐ; chưa thực sự quan tâm đến việc chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, nhiều chế độ, chính sách của NLĐ trong lĩnh vực ATVSLĐ chưa được thực hiện theo quy định của pháp luật; chưa bố trí hoặc bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ chưa đúng quy định; xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hằng năm còn hình thức, chưa bám sát nhiệm vụ của doanh nghiệp, đơn vị; hoạt động của mạng lưới ATVSV ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả, chế độ phụ cấp trách nhiệm cho ATVSV chưa được quan tâm. Số vụ tai nạn lao động nặng và chết người có xu hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào nếu không làm tốt công tác ATVSLĐ. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng là người sử dụng lao động chưa làm tốt công tác tự kiểm tra ATVSLĐ, sử dụng thiết bị lao động không đảm bảo an toàn cho NLĐ, không xây dựng quy trình, nội quy an toàn lao động, không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân,….; do sự chủ quan của NLĐ như: không tuân thủ quy trình, chưa có biện pháp làm việc an toàn, ...
Nhằm giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn lao động, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, hạn chế các nguyên nhân gây ra mất an toàn lao động và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác ATVSLĐ thời gian tới, thiết nghĩ các cấp công đoàn trong toàn tỉnh cần tập trung vào một số việc làm cụ thể, thiết thực sau:
Thứ nhất, Thường xuyên cập nhật và phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp để NLĐ, người sử dụng lao động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa, đặc biệt ở các doanh nghiệp có đông công nhân, lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.
Thứ hai, công đoàn cơ sở luôn chủ động, tích cực tham gia với người sử dụng lao động xây dựng các nội quy, quy định, chương trình, kế hoạch ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ; quan tâm công tác tự kiểm tra của doanh nghiệp và thường xuyên giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách về ATVSLĐ trong doanh nghiệp; hướng dẫn hoạt động cho mạng lưới ATVSV; thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản về ATVSLĐ có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Thứ ba, Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc, tìm các biện pháp nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; duy trì phát triển phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” và các hoạt động quần chúng làm công tác ATVSLĐ, mạng lưới ATVSV.
Thứ tư, Các cấp công đoàn cần thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác ATVSLĐ kịp thời, đầy đủ, đặc biệt là các báo cáo về tình hình tai nạn lao động để công đoàn cấp trên có thông tin và số liệu để tổng hợp, phục vụ cho việc phân tích nhận định, đánh giá tình hình, tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục.
Thứ năm, Tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành, các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, xử lý nghiêm, kịp thời các doanh nghiệp vi phạm công tác ATVSLĐ.
“Con người là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp”, do vậy làm tốt công tác ATVSLĐ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sức khỏe, tính mạng của người lao động cũng như thúc đẩy hoạt động sản xuất bền vững của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội./.