Chi tiết tin

Hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động và Tháng Công nhân: Phát huy vai trò của Công đoàn trong thời kỳ hội nhập

Người đăng: Admin Công đoàn Ngày đăng: 15:01 | 25/04 Lượt xem: 1730

Hàng năm cứ đến ngày 1/5, nhân dân lao động trên toàn thế giới lại háo hức tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, ngày hội của những người lao động (NLĐ) yêu chuộng hòa bình.

Ở Việt Nam, từ những năm đầu của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam qua những tác phẩm của mình, giúp công nhân lao động (CNLĐ) Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, biết đến Cách mạng tháng Mười Nga, ngày Quốc tế Lao động 1/5 và biểu lộ sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế.

Ngày 1/5/1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô Viết. Tháng 8/1925, công nhân nhà máy đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) đã bãi công đòi tăng lương và để ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải (Trung Quốc). Những cuộc đấu tranh đầu tiên ấy đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, một mốc son chuyển phong trào công nhân Việt Nam phát triển từng bước từ tự phát đến tự giác.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, đóng vai trò nòng cốt trong khối liên minh công-nông. Phong trào đấu tranh được tổ chức vào ngày 1/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931. Từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc chí Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân và nông dân mít tinh chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1/5. Đây là lần đầu tiên, GCCN và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc đoàn kết đấu tranh tỏ rõ sức mạnh vô địch, sứ mệnh lịch sử, nghị lực phi thường của khối liên minh công-nông.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 56 quyết định để CNLĐ cả nước nghỉ hưởng lương ngày Quốc tế Lao động. Ngày 1/5/1946, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn NLĐ. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi“Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết Lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
Trên đất nước Việt Nam, ngày Quốc tế Lao động được CNLĐ coi như ngày hội của mình. Tinh thần bất diệt của ngày Quốc tế Lao động 1/5 hàng năm đã trở thành hành động đấu tranh đòi tự do dân chủ, chống áp bức bóc lột, đòi hòa bình độc lập dân tộc của CNLĐ, tạo nên những dấu ấn của lịch sử. Từ sau ngày giải phóng đến nay, ngày 1/5 vừa là điểm hẹn, vừa là điểm xuất phát của nhiều phong trào thi đua lao động xây dựng quê hương đất nước của GCCN.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, GCCN Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về chất lượng và số lượng, đang tiếp tục phát huy vai trò của mình với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đảng ta đã xác định xây dựng GCCN Việt Nam vững mạnh là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách, nhất là hiện nay trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vai trò của GCCN hết sức quan trọng.
Để xây dựng GCCN Việt Nam vững mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới. Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa X), Đảng ta đã ra Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó xác định “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Trong công cuộc đổi mới của đất nước, cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GCCN Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. 
Trong kết quả chung đó, đội ngũ CNVCLĐ của tỉnh Quảng Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, tính đến cuối năm 2018 toàn tỉnh có 146.787 CNVCLĐ, 129.978 đoàn viên, 1929 CĐCS. Bên cạnh đó, hoạt động của tổ chức CĐ tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên, NLĐ. Công đoàn đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng chủ trương, chính sách pháp luật thể hiện được chức năng lớn của CĐ là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ và đạt được những kết quả quan trọng. Phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” lan tỏa mạnh mẽ. Hoạt động chăm lo cho NLĐ được các cấp CĐ tập trung thực hiện với nhiều hoạt động phong phú. Bên cạnh đó, các cấp CĐ tiếp tục có nhiều biện pháp thích hợp để kịp thời giải quyết các bức xúc của NLĐ, ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội, góp phần tạo ra môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn, trên cơ sở đó huy động được nhiều nguồn lực góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bên cạnh những thuận lợi, CĐ các cấp phải đối mặt với những khó khăn thách thức không nhỏ. Để tiếp tục phát huy vai trò của mình, CĐ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ góp phần xây dựng GCCN lớn mạnh; làm cho đội ngũ CNVCLĐ và lực lượng công nhân trẻ nhận thức đúng đắn về những cơ hội, khó khăn, thách thức trong điều kiện hiện nay, qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác đối với công nhân.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức giác ngộ giai cấp cho đoàn viên, NLĐ về Chủ nghĩa Mác-Lê nin, về Đảng Cộng sản Việt Nam, GCCN và CĐVN. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Phát huy tốt vai trò đại diện của CĐ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng và các vấn đề bức xúc phát sinh trong thực tiễn lao động sản xuất của CNVCLĐ để giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở; đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến CNVCLĐ; hướng dẫn, kiểm tra việc ký hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tổ chức các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước sôi nổi, cụ thể, thiết thực và hiệu quả trong CNVCLĐ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, đơn vị. CĐ các cấp phải nêu cao vai trò chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tạo dựng cho được phong trào thi đua sâu rộng đến tận cơ sở và NLĐ; khơi dậy được ý thức tự giác và sức sáng tạo của CNVCLĐ trên các lĩnh vực, các ngành, các thành phần kinh tế. Thông qua thực tiễn sinh động, phong phú của phong trào thi đua, lựa chọn những điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu để tuyên truyền nhân rộng.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức CĐ, xây dựng và phát triển đội ngũ CNVCLĐ trong thời kỳ mới. Đổi mới mô hình tổ chức các cấp CĐ theo hướng lấy đoàn viên và NLĐ làm trung tâm để xác định nhiệm vụ của các cấp CĐ, mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho đoàn viên, NLĐ. Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ; nâng cao phúc lợi của đoàn viên, NLĐ; tổ chức các hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực, lấy lợi ích làm điểm tập hợp thu hút NLĐ đến với tổ chức CĐ.
Ngày Quốc tế Lao động năm nay bắt đầu thời điểm Tháng Công nhân 2019, bước sang năm thứ tám triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 77-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chọn tháng năm hằng năm là “Tháng Công nhân”. NLĐ đang đón nhận những niềm vui mà CĐ, doanh nghiệp, người sử dụng lao động dành cho họ. Tháng Công nhân năm 2019 với chủ đề “Mỗi Công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên”. Theo đó, phấn đấu mỗi công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đều có hoạt động chăm lo lợi ích đoàn viên, đồng thời phát huy cao nhất vai trò của công nhân đối với sự phát triển chung của doanh nghiệp, của đất nước. Đó là “Ngày hội công nhân lao động” ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề bức xúc cho công nhân; hoạt động tôn vinh những công nhân giỏi nghề, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kỷ niệm 44 ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp để CNVCLĐ tỉnh nhà ôn lại truyền thống vẻ vang của GCCN, quyết tâm xây dựng quê hương Quảng Nam ngày càng giàu đẹp./.

Tác giả: Trần Văn Tỉnh

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:





Truyền hình lao động và công đoàn


    Liên kết website

    BẢN QUYỀN LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NAM
    Giấy phép :15/GP-TTĐT
    Địa chỉ : 10 Trần Phú - TP.Tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam
    Điện thoại : 02353.852.510 - Fax : 02353.812.395
    Email: congdoanqnam@gmail.com
    Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

    Tổng số lượt truy cập

    00006315702