Chi tiết tin

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐOÀN VIÊN, THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NAM

Người đăng: Admin Công đoàn Ngày đăng: 17:08 | 15/07 Lượt xem: 447

Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn, được Công đoàn các Khu kinh tế (KKT) và Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Quảng Nam chú trọng ngay từ đầu nhiệm kỳ, đã đề ra mục tiêu làm thế nào để tổ chức Công đoàn thực sự là mái ấm, chăm lo, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động (NLĐ). Với sự quyết tâm và đồng lòng trong quá trình triển khai thực hiện, Công đoàn các KKT và KCN tỉnh đã thực hiện đạt được những kết quả tích cực, thu hút đông đảo người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn.

Đ/c Trần Văn Tỉnh – Nguyên Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra LĐLĐ tỉnh
(nay là Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh)
và đ/c Mai Thị Phú Mỹ – PCT Công đoàn các KKT&KCN tỉnh
trao quyết định công nhận BCH lâm thời CĐCS Công ty TNHH Draexlmaier Automotive Việt Nam

Có hướng đi sát, đúng thực tiễn
Việc thu hút NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn trong điều kiện tổ chức Công đoàn có trách nhiệm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, nhưng đồng thời cũng phải có trách nhiệm bảo vệ NLĐ không phải là đoàn viên. Do vậy, việc tuyên truyền, vận động NLĐ tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn là một thách thức lớn.
Thấy được những khó khăn, thách thức đó nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Công đoàn các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, nội dung và các giải pháp tiến hành để phát triển đoàn viên cho cả nhiệm kỳ, đã chủ động phối hợp với Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh thường xuyên khảo sát nắm tình hình doanh nghiệp, NLĐ. Phân công cán bộ có nhiều kinh nghiệm lựa chọn các nội dung, hình thức và quy mô tuyên truyền thích hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Đối với chủ sử dụng lao động, tập trung tuyên truyền về vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức Công đoàn, tuyên truyền để chủ doanh nghiệp hiểu được vai trò của tổ chức Công đoàn trong xây dựng đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) lớn mạnh, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Với mục tiêu chung hai bên hướng đến là phát triển doanh nghiệp và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ.
Đối với NLĐ, tuyên truyền để NLĐ hiểu về tổ chức Công đoàn Việt Nam- là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và NLĐ. Sự ra đời và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam là sự quan tâm của Đảng, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Công đoàn là tổ chức duy nhất hiện nay thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ khi bị xâm phạm. Đồng thời, tuyên truyền để NLĐ nhận rõ sự khác biệt giữa quyền lợi của NLĐ khi là đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) và NLĐ không không là ĐVCĐ, qua đó khích lệ NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn.
Tuỳ tình hình thực tế từng doanh nghiệp, cán bộ công đoàn gặp gỡ, tuyên truyền NLĐ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: gặp gỡ trong doanh nghiệp, gặp CNLĐ ngoài cổng doanh nghiệp hay đến các khu nhà trọ…
Với sự quyết tâm và nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Công đoàn các KKT và KCN tỉnh đã vận động thành lập mới được 27 CĐCS, kết nạp mới được 14.520 đoàn viên, tiếp nhận 03 CĐCS với 2.304 đoàn viên. Nâng tổng số CĐCS trực thuộc 91 đơn vị, trong đó 37 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, 53 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 01 doanh nghiệp Nhà nước, với 41.242 đoàn viên/49.729 lao động.
Qua thực tiễn công tác chúng tôi rút ra những kinh nghiệm cụ thể như:
Một là, Công đoàn các cấp phải xây dựng được kế hoạch phát triển đoàn viên cho cả nhiệm kỳ và từng năm. Khai thác tối đa nguồn thông tin từ các ngành chức năng như Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh, Sở LĐTBXH, cơ quan thuế và BHXH để lập kế hoạch và triển khai công tác phát triển tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cho sát đúng với tình hình thực tế. Tranh thủ tổ chức cơ sở Đảng ở doanh nghiệp (nếu có) trong công tác tuyên truyền vận động thành lập công đoàn, phát triển đoàn viên.
Hai là, bố trí cán bộ công đoàn có nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động, thuyết phục, tuyên truyền, đàm phán, hiểu biết sâu sắc về CNLĐ và nghiệp vụ công đoàn để thực hiện kế hoạch vận động. Lựa chọn các nội dung, hình thức và quy mô tuyên truyền thích hợp, tổ chức các cuộc tọa đàm, tiếp xúc trực tiếp với NLĐ, với chủ sử dụng lao động để tuyên truyền về vai trò, vị trí, chức năng của công đoàn, các quy định pháp luật về việc làm, chế độ tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, BHXH, BHYT, nội quy lao động...
Phân công cán bộ xuống cơ sở, nắm bắt tình hình của từng doanh nghiệp. Vì đối với doanh nghiệp, các thông tin trong bảng đăng ký thành lập thường khác nhiều so với thực tế triển khai. Mục đích của việc làm này là để khi bàn về vấn đề thành lập CĐCS với chủ doanh nghiệp, Công đoàn đã có đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, nhằm tạo ấn tượng và tăng cường vai trò ảnh hưởng ngay từ buổi gặp đầu.
Ba là, tuyên truyền làm cho chủ doanh nghiệp hiểu được vai tṛò công đoàn trong xây dựng đội ngũ CNLĐ lớn mạnh và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Khi tiếp xúc, tiếp cận giới chủ, cần nắm bắt tình hình, điều kiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để cảm thông, chia sẻ, khích lệ, đề cao những thành quả đạt được của doanh nghiệp. Đặt vấn đề ngắn gọn, đi thẳng vào những nội dung cần tuyên truyền, thuyết phục, tiết kiệm thời gian trong làm việc, tiếp xúc. Tôn trọng và lắng nghe ý kiến trong đối thoại, tỏ thái độ đồng tình về những vấn đề tâm đắc. Kiên định với những quan điểm đưa ra trong đối thoại. Dành thời gian cho chủ doanh nghiệp suy nghĩ, cân nhắc trước khi đi đến quyết định, không g̣ò ép sự trả lời "có", "không" ngay trong buổi tiếp xúc vận động.
Trong các cuộc vận động thành lập tổ chức công đoàn, thành phần nên gồm: Lãnh đạo Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh, công đoàn các KKT và KCN tỉnh, đại diện chủ đầu tư hạ tầng KCN, UBND xã, phường, thị trấn sở tại nơi có doanh nghiệp đóng trụ sở. Sở dĩ cần đủ các thành phần như trên là vì hầu hết các doanh nghiệp đều cần sự hỗ trợ của chính quyền để có thể thành lập và đưa doanh nghiêp vào hoạt động, trước đó doanh nghiệp đã có sự hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương nên doanh nghiệp sẽ bố trí thời gian làm việc với đoàn và hiệu quả buổi làm việc sẽ cao hơn.
Với trách nhiệm trước đoàn viên, NLĐ, chúng tôi – những cán bộ chuyên trách công đoàn - vẫn tiếp tục nỗ lực để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, nâng cao chất lượng hoạt động, khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp để NLĐ được đảm bảo việc làm, thu nhập, có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, mới yên tâm gắn bó, đóng góp vào sự phát triển doanh nghiệp, xứng đáng là giai cấp đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tác giả: Nguyễn Kỳ Vĩnh

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:





Truyền hình lao động và công đoàn


    Liên kết website

    BẢN QUYỀN LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NAM
    Giấy phép :15/GP-TTĐT
    Địa chỉ : 10 Trần Phú - TP.Tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam
    Điện thoại : 02353.852.510 - Fax : 02353.812.395
    Email: congdoanqnam@gmail.com
    Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

    Tổng số lượt truy cập

    00005441772