Thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019, Nghị định số 145/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, Hướng dẫn số 11/HD-TLĐ ngày 14/3/2024 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về Công đoàn tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở, ngày 20/9/2024, Công ty và Công đoàn cơ sở (CĐCS) – tổ chức đại diện người lao động Công ty TNHH AMANN Việt Nam tổ chức đối thoại theo yêu cầu của đoàn viên công đoàn.
Được biết, Công ty TNHH AMANN Việt Nam là thành viên của Tập đoàn AMANN, chuyên sản xuất và cung cấp chỉ may, chỉ thêu chất lượng cao. Công ty được thành lập năm 2012. Hiện nay có 233 lao động làm việc, trong đó có 114 người là lao động nữ.
Tại Hội nghị đối thoại, trên cơ sở ý kiến của đoàn viên nữ, Ban Chấp hành CĐCS Công ty đã đưa ra ba đề xuất, gồm:
Thứ nhất, tăng mức hỗ trợ cho người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi từ 50.000 đồng/tháng/cháu lên mức 100 nghìn đồng/tháng/cháu;
Thứ hai, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, ngoài chế độ nghỉ ngơi 60 phút được hưởng nguyên lương mỗi ngày theo Nội quy lao động thì được nghỉ thêm 60 phút trong giờ làm việc để vắt sữa, nếu không có nhu cầu mà vẫn làm việc thì công ty tính thêm 100% lương;
Thứ ba, vào ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) và ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) lao động nữ được nghỉ và hưởng nguyên lương hoặc doanh nghiệp hỗ trợ tiền mặt 300.000 đồng/người/ngày.
Với những lập luận hết sức thuyết phục mà CĐCS đưa ra tại hội nghị, đại diện người sử dụng lao động hoàn toàn chấp thuận với nội dung thứ nhất và nội dung thứ hai, riêng nội dung thứ ba tại công ty đã tạo điều kiện làm việc 3 ca để chị em có thời gian tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, tạo niềm vui trong cuộc sống, trong lao động, sản xuất, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, công ty sẽ hỗ trợ thêm một khoản tiền mặt 200.000đ/người/ngày. Về thời gian thực hiện nội dung thứ nhất và thứ ba kể từ ngày 01/01/2025 và nội dung thứ hai thực hiện từ ngày 01/9/2024.
Đây được coi là một cuộc đối thoại hết sức thành công, mang lại quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực cho lao động nữ tại doanh nghiệp này.

Đại diện hai bên trao biên bản đối thoại
Từ thành công ấy, bản thân mạnh dạn rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, vai trò của Ban chấp hành CĐCS, của các thành viên tham gia đối thoại rất quan trọng, thể hiện được vị thế, niềm tin đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị cho đoàn viên. Các thành viên tham gia đối thoại bên đoàn viên là những người có uy tín, trách nhiệm với đoàn viên, có chuyên môn và kỹ năng đối thoại.
Hai là, lựa chọn nội dung đề xuất, thời điểm đối thoại. Đề xuất, kiến nghị, mong muốn của đoàn viên có những nội dung thỏa đáng, có nội dung không thỏa đáng. Do vậy, CĐCS phải tiếp thu, chọn lọc những nội dung yêu cầu đối thoại phù hợp với doanh thu, thực tiễn áp dụng các chế độ, chính sách hiện hưởng tại doanh nghiệp thì khả năng thành công cao, những nội dung đó có ý nghĩa hết sức quyết định đến việc thành – bại của một cuộc đối thoại.
Ba là, thiện chí của doanh nghiệp. Đối với một doanh nghiệp đặt sứ mệnh coi người lao động là vốn quý, lấy quyền lợi của người lao động là thước đo, lấy sự hài hòa, ổn định, tiến bộ là chuẩn mực trong quan hệ lao động; luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết tốt nhất các đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động thì ở đó các cuộc đối thoại dễ thành công.
Bốn là, sự hỗ trợ kịp thời, hướng dẫn sâu sát của công đoàn cấp trên, của những cán bộ công đoàn có kinh nghiệm về quy trình đối thoại, cơ sở pháp lý, cách thức lập luận, tranh luận,… trong quá trình đối thoại đối với công đoàn cơ sở, các thành viên đối thoại là một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công của cuộc đối thoại.
Việc thực hiện tốt công tác đối thoại tại nơi làm việc là nền tảng, cơ sở cho việc thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần hạn chế thấp nhất xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc, đình công hoặc lãn công không đúng quy định của pháp luật trong thời gian tới./.