Trong cơ chế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta hiện nay, cùng với xu thế hội nhập và toàn cầu hoá, quan hệ lao động ngày càng đòi hỏi sự hài hoà trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về quyền, lợi ích nhưng không trái với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích những thoả thuận có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Thương lượng tập thể và Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) được quy định từ điều 65 đến điều 88 Bộ luật Lao động năm 2019. Tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật Lao động quy định: “Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản”. “Thỏa ước lao động tập thể chỉ được sửa đổi, bổ sung theo thỏa thuận tự nguyện của các bên, thông qua thương lượng tập thể. Việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể được thực hiện như việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể” (điều 82 Bộ luật Lao động năm 2019). Do vậy, TƯLĐTT được coi là “bộ luật con” tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, là công cụ, phương tiện điều chỉnh quan hệ lao động, là nguồn bổ sung của pháp luật lao động. Chính vì vậy việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ lao động và hoạt động của tổ chức Công đoàn, thể hiện vai trò đại diện cho tập thể lao động thương lượng và ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ).
Xác định tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở thường xuyên tổng hợp ý kiến của đoàn viên, NLĐ, chủ động đề xuất với người sử dụng lao động để thương lượng, ký kết và sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT với nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ, phù hợp với khả năng điều kiện của doanh nghiệp, tập trung vào những vấn đề như: tiền lương, tiền thưởng, chế độ phúc lợi tập thể, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, hiếu hỷ, mừng sinh nhật,... Hằng năm, có trên 80% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết TƯLĐTT theo quy định của pháp luật. Việc đánh giá chất lượng và thực hiện TƯLĐTT từng bước triển khai thực hiện và đi vào nề nếp; chất lượng TƯLĐTT ngày càng được nâng lên, phấn đấu đạt chỉ tiêu ít nhất 50% TƯLĐTT đạt loại B trở lên theo Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Những bản TƯLĐTT với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ đã làm cho NLĐ vui vẻ, phấn khởi, yên tâm công tác, xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, hạn chế tranh chấp, đình công, lãng công; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được bảo vệ, vai trò vị trí của tổ chức công đoàn được nâng cao; ý thức chấp hành pháp luật lao động đối với người lao động và người sử dụng lao động ngày càng cao, phát huy được tinh thần dân chủ trong doanh nghiệp, khuyến khích sự sáng tạo của CNLĐ.
Lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể Nhóm Trẻ mầm non tư thụ phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ
Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp việc tổ chức thương lượng giữa đại diện người lao động với chủ sử dụng lao động còn hạn chế, còn mang tính hình thức, thiếu công khai nhằm đối phó với các cơ quan chức năng; chất lượng một số bản TƯLĐTT chưa cao, phần lớn phụ thuộc vào người sử dụng lao động, mang tính rập khuôn, sao chép luật; đa số cán bộ CĐCS làm công tác thương lượng TƯLĐTT chưa qua đào tạo về thương thảo TƯLĐTT để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Người sử dụng lao động còn xem nhẹ quyền lợi của người lao động, né tránh việc ký kết cũng như thực hiện TƯLĐTT,...
Nhằm thực hiện tốt việc thương lượng tập thể, thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT, bản thân đề xuất các cấp công đoàn cần tập trung vào một số giải pháp:
Thứ nhất, Tiếp tục quán triệt Bộ luật Lao động năm 2019, quan điểm tại Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, Hướng dẫn số 90/HD-TLĐ ngày 17/7/2023 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về đánh giá, xếp loại chất lượng thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể của các cấp công đoàn. Triển khai Chương trình số 05/CTr-BCH ngày 06/9/2024 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023-2028”.
Thứ hai, Tùy tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở từng doanh nghiệp, các chế độ, chính sách áp dụng tại các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, địa phương, khu, cụm công nghiệp, công đoàn cơ sở tập trung các nội dung thương lượng, ký kết TƯLĐTT có nhiều điểm có lợi cho người lao động (NLĐ) như:
- Về tiền lương, nâng lương: Thời gian ngừng việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) trả 100% lương cho NLĐ; thời gian nâng lương thường xuyên; khoảng cách giữa các bậc trong thang, bảng lương tối thiểu 5%; tiền lương làm ngoài giờ, tiền lương cho NLĐ được hưởng khi làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần thương lượng để NSDLĐ hỗ trợ thêm kinh phí cho NLĐ; nâng lương trước thời hạn đối với các trường hợp: NLĐ có sáng kiến tiết kiệm nguyên vật liệu; NLĐ bổ sung chứng chỉ các lớp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp trường trung cấp, cao đẳng, đại học… phù hợp công việc đang phụ trách; NLĐ đạt giải cao trong các hội thi tay nghề; ….
- Về tiền thưởng: Tháng lương thứ 13; thưởng năng suất; thưởng khi có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên vật liệu; thưởng thâm niên,…
- Về chế độ phụ cấp, trợ cấp: Cơm ca; tiền ăn tăng ca; các loại phụ cấp tay nghề, chuyên cần, công tác phí, xăng xe, điện thoại, sinh hoạt; hỗ trợ thêm khi nuôi con nhỏ, thuê nhà trọ,…
- Về chế độ phúc lợi: Quà tết; quà sinh nhật; tham quan nghỉ mát; các loại quà cho NLĐ (sinh con, kết hôn, Trung thu, Thiếu nhi 1/6, học sinh giỏi…); các loại phúc lợi (NLĐ khó khăn đột xuất, NLĐ nằm viện, nuôi con nhỏ, tiền xe về quê đón Tết); hỗ trợ cho NLĐ (các ngày nghỉ lễ, lì xì, thưởng tết đầu năm…); Tang chế người lao động, tang chế tứ thân phụ mẫu NLĐ;....
- Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Tăng thêm các ngày nghỉ hưởng nguyên lương (ngày thành lập Công ty, ngày khai giảng, Giáng sinh, nghỉ bệnh, chăm sóc người thân bệnh…); nghỉ phép năm hơn luật; nghỉ việc (kết hôn, tang chế…) cao hơn luật;…
- Các nội dung khác như: Đào tạo, bồi dưỡng; bảo hiểm tai nạn con người; các chế độ đối với lao động nữ (nghỉ thêm giờ trong thời gian thai sản, bố trí nơi vắt, trữ sữa, hỗ trợ tiền, hiện vật khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ, kết hôn, các ngày về giới …);…
- Về hoạt động công đoàn: Doanh nghiệp tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động về tăng thêm thời gian hoạt động cho cán bộ công đoàn; Thời gian hoạt động đoàn viên; Công đoàn tuyên truyền cho NLĐ mới tuyển dụng;….
Thứ ba, Tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, người sử dụng lao động và người lao động về công tác thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT trong quan hệ lao động. Cán bộ công đoàn cần xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của thương lượng, ký kết, thực hiện và giám sát thực hiện TƯLĐTT trong xây dựng quan hệ lao động, là cơ sở pháp lý quan trọng để Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Thứ tư, Tăng cường vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc hỗ trợ công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ CĐCS am hiểu về công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT; thường xuyên cung cấp tài liệu và tập huấn về kỹ năng thương lượng và ký kết TƯLĐTT. Chỉ đạo rà soát tình hình thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT; theo dõi, đề xuất đánh giá chất lượng TƯLĐTT; chất lượng TƯLĐTT đạt loại C, D thì xem xét thương lượng những nội dung có lợi hơn để nâng chất lượng đạt loại A, B.
Thứ năm, Đối với CĐCS đặc biệt quan tâm đến công tác thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT đi vào thực chất, khắc phục tính hình thức. Đánh giá chất lượng và thực hiện TƯLĐTT, coi đây là tiêu chuẩn đánh giá xếp loại công đoàn xuất sắc hằng năm và xét thi đua của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. CĐCS có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc thực hiện, phản ánh kịp thời lên cấp trên và người sử dụng lao động uốn nắn kịp thời những vi phạm thực hiện TƯLĐTT.
Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về công tác thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, các cấp Công đoàn cần phát huy mạnh hơn nữa vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp. Có như vậy, trong thời gian đến chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT sẽ được nâng cao và đạt hiệu quả nhằm thực hiện tốt chức năng của tổ chức công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp./.