Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Đề án đã xác định mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CBCCVC; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Ngày 14/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 733/QĐ-TTg về kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, nhằm nâng cao đạo đức công vụ, nói không với tiêu cực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác để gắn bó với nhân dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Công đoàn Viên chức Việt Nam triển khai cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” từ năm 1999 và nay là cuộc vận động xây dựng người CBCCVC “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”; Chính phủ ban hành Quy chế Văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước năm 2007, đã có sự gắn kết với nhau và đã được các cấp công đoàn triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả qua đó xây dựng, hình thành văn hóa công sở có nhiều tác động tích cực, không ngừng gia tăng giá trị văn hóa trong hoạt động công vụ ở các cơ quan công quyền, thúc đẩy sự phát triển của nền hành chính công vụ.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh, Công đoàn Viên chức Việt Nam, Công đoàn Viên chức tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể các Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc triển khai thực hiện với những việc làm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Đ/c Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Hiện nay, Công đoàn Viên chức tỉnh đang quản lý 67 CĐCS trực thuộc với trên 5.300 đoàn viên, trong đó, có 06 CĐCS quản lý 79 CĐCS thành viên, 03 CĐCS quản lý 12 có công đoàn bộ phận và 58 CĐCS có tổ công đoàn, quản lý 364 tổ công đoàn. Cán bộ chủ chốt tại các CĐCS đều giữ chức vụ lãnh đạo quản lý tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, có trình độ, năng lực thực tiễn; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và có uy tín để lãnh đạo tổ chức công đoàn.
Qua theo dõi phong trào cho thấy nhiều cách làm hay, nhiều giải pháp tích cực có sức lan tỏa lớn, gắn với trách nhiệm triển khai của từng ngành, từng đơn vị cụ thể như: phong trào “Nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và xây dựng chuẩn mực đạo đức công vụ” đến phát động các phong trào thi đua ứng với đặc thù của từng đơn vị như tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, quản lý nhà nước là “Phát huy sáng kiến thực hiện qui trình thủ tục Cải cách hành chính”, “Đẩy mạnh hoạt động công tác dân vận, chính quyền trong cơ quan nhà nước”; các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, với công tác“Nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác xây dựng Đảng”; các đơn vị đoàn thể là “Đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức Đoàn thể ” và đã có nhiều đề xuất, nhiều mô hình, kiến nghị, sáng kiến, sáng tạo trong công tác, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học…nhằm thực hiện hiệu quả hơn trong công tác chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị, qua đó giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí hành chính, giảm bớt phiền hà cho nhân dân.
Từ thực tiễn cho thấy, các CĐCS đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp đã cụ thể hóa bằng việc đề ra các nội dung phấn đấu như: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư gắn với việc học tập, rèn luyện để trở thành người CBCCVC“Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” được thể hiện trong công việc hằng ngày, góp phần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong công việc,… Ngoài ra, CĐCS tổ chức phát động các phong trào thi đua như: Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả”; phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động; phát động sáng kiến cải tiến lề lối làm việc, đề tài khoa học được đưa vào ứng dụng, các phong trào về nguồn, đi thực tiễn cơ sở, duy trì thường xuyên các buổi giao lưu thể thao như bóng đá, bóng bàn, cầu lông,… được tổ chức sôi nổi, rộng khắp mang lại sự vui tươi, phấn khởi, gắn kết và nâng cao thể chất cho đoàn viên.
Từ những kết quả rất tích cực trong công tác cải cách hành chính, nâng cao văn hóa công vụ cũng như chất lượng cuộc vận động xây dựng người CBCCVC “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” trong thời gian qua đã góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CBCCVC.
Qua các phong trào thi đua do các cấp công đoàn phát động, số lượng và chất lượng các tập thể đạt danh hiệu “lao động tiên tiến”,“lao động xuất sắc”, cá nhân đạt danh hiệu “lao động tiên tiến”, chiến sĩ thi đua các cấp. Nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Công đoàn Viên chức tỉnh đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2020.
Tuy nhiên, từ thực tiễn việc triển khai xây dựng văn hóa công vụ và cuộc vận động xây dựng người CBCCVC “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” vẫn còn bộc lộ một số bất cập cần khắc phục như: ở một số CÐCS việc triển khai cuộc vận động còn hình thức, chưa có tiêu chí cụ thể, hiệu quả chưa cao, chưa có nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong thực hiện cuộc vận động. Một bộ phận CBCCVC ít phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện nên đã vi phạm pháp luật, tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà đối với dân, bị xử lý kỷ luật, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Một bộ phận CBCCVC trong giao tiếp ứng xử với nhân dân, với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có nơi còn chưa tốt, chưa thể hiện là “công bộc” của nhân dân. Có nơi lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện cuộc vận động và việc xây dựng văn hóa công vụ.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án văn hóa công vụ của Thủ tướng Chính phủ và cuộc vận động xây dựng người CBCCVC “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, thiết nghĩ cần quan tâm một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, mỗi cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của văn hóa công vụ nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho CBCCVC về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ CBCCVC có kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp.
Thứ hai, đưa các quy định về văn hóa công vụ vào nội quy, quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị nhằm tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa một cách bài bản những vi phạm về văn hóa công vụ. Xây dựng tác phong, lề lối làm việc, rèn luyện đạo đức công vụ, góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ, xây dựng đảm bảo tính kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả.
Thứ ba, đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016, của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương và Quy định 1224-QĐ/TU, ngày 06/5/2019 của Tỉnh ủy Quảng Nam về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019, của Bộ Chính trị khóa XII, về “Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” trong các cơ quan hành chính nhà nước. Tích cực thực hiện Đề án văn hóa công vụ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở; phong trào “5 không”, nhân rộng các mô hình tiêu biểu và cách làm hay trong thực thi công vụ và xây dựng văn hóa công vụ; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để CBCCVC giao lưu, chia sẻ những giải pháp, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư, xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan, tạo sự đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ nguồn lực, sức mạnh của đội ngũ CBCCVC. Tăng cường đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ, nhằm xây dựng đội ngũ CBCCVC có uy tín, có chuyên môn giỏi, thông thạo nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, luôn gần dân, biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Thứ năm, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của các cơ quan, đơn vị, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời biểu dương, khen thưởng những CBCCVC có thành tích, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ.
Phát huy những thành tích đạt được trong những năm qua, với mong muốn các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, đoàn viên tiếp tục hưởng ứng tích cực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, ý thức rèn luyện, phẩm chất đạo đức, về văn hóa công vụ, nâng cao năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và chất lượng của cuộc vận động xây dựng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.