1. Công đoàn tỉnh Quảng Nam được thành lập và trưởng thành
Cũng như trên cả nước, do chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, đội ngũ công nhân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) ra đời và không ngừng lớn mạnh, không chỉ tăng về số lượng, ổn định về cơ cấu mà còn trưởng thành nhanh chóng về ý thức giai cấp. Đội ngũ công nhân tập trung khá đông ở ngành hỏa xa, các đồn điền, các công trình xây dựng cầu cống, đường sá, các hãng buôn, các đô thị…Ở đâu công nhân lao động (CNLĐ) cũng bị áp bức, bóc lột, vì vậy nhiều cuộc đấu tranh tuy mang tính tự phát, đơn lẻ đã nổ ra ở mỏ vàng Bông Miêu, mỏ kẽm Đức Bố, mỏ vàng A Bé...
Xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ nhau trong cuộc sống và đấu tranh, hội ái hữu ra đời để tập hợp CNLĐ. Năm 1928, Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng tỉnh Quảng Nam được thành lập đã hướng hội ái hữu hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của mình. Đồng chí Phan Văn Định, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã tích cực xây dựng phong trào công nhân, tổ chức công hội. Kết quả, đầu năm 1929, tổ Công hội đầu tiên được thành lập ở Hội An và sau đó phát triển thành ba tổ, tập hợp nhiều công nhân, dân nghèo thành thị, bán hàng rong, công nhân vệ sinh… Như vậy hình thức công hội Quảng Nam đã ra đời và hoạt động dưới nhiều tên gọi khác nhau, nhất là ở Hội An. Hoạt động nổi bật của công hội, ngoài việc thường xuyên, liên tục tiến hành công tác tuyên truyền, giác ngộ còn vận động CNLĐ đấu tranh đòi không được đánh đập, đuổi thợ, cúp lương, đòi tăng lương…
Tháng 10/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Quảng Nam ra đời đã tác động mạnh mẽ đến phong trào CNLĐ trong tỉnh. Giữa lúc đó, vào tháng 7/1929, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ được thành lập, sau đó Tổng Cộng hội đỏ phát triển ra nhiều địa phương. Lúc này, phong trào CNLĐ ở Quảng Nam có những bước tiến vượt bậc. Các hình thức tổ chức công hội phát triển nhiều nơi với những hoạt động tích cực, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào công nhân. Hầu hết các cuộc đình công, bãi công đều có sự lãnh đạo của Đảng, của công hội và giành thắng lợi rực rỡ.
Tháng 12/1929, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ Đông Dương Cộng sản tỉnh Quảng Nam, Tổng Công hội đỏ Đà Nẵng ra đời. Đây là bước ngoặt lịch sử quan trọng, đánh dấu thời kỳ mới của phong trào CNLĐ Quảng Nam và Đà Nẵng, đáp ứng yêu cầu bức thiết là sự đòi hỏi có tổ chức tập trung, thống nhất nhằm đưa phong trào công nhân phát triển hơn nữa.
Công hội đỏ ra đời có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân (GCCN) địa phương. Lần đầu tiên trong lịch sử, GCCN tỉnh nhà có một đoàn thể cách mạng rộng lớn của mình, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo CNLĐ và được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam.
Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, do yêu cầu nhiệm của từng thời kỳ cách mạng, Công đoàn tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần thay đổi tên gọi:
- Hội Ái hữu, Công hội đỏ (1929 - 1936).
- Nghiệp đoàn, Hội Ái hữu (1936 -1939).
- Công nhân phản đế (1939 - 1941).
- Công nhân cứu quốc (1941 - 1946).
- Liên hiệp Công đoàn (1946-1954).
- Nghiệp đoàn (1954 -1973).
- Liên hiệp Công đoàn giải phóng (1973 -1975).
- Liên hiệp Công đoàn (1975 - 1988).
- Liên đoàn Lao động (1988 đến nay).
Trong 90 năm, Công đoàn tỉnh Quảng Nam đã tiến hành 16 kỳ Đại hội:
- Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Quảng Nam lần thứ I vào tháng 8/1946, tại Hội An.
- Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ II vào tháng 03/1947.
- Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ III vào tháng 03/1950.
- Đại hội Liên hiệp Công đoàn giải phòng tỉnh Quảng Nam lần thứ IV vào tháng 03/1974, tại xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước.
- Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ VII tại thành phố Đà Nẵng, từ ngày 8 đến ngày 11/8/1977 [1].
- Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ VIII tại thành phố Đà Nẵng, vào ngày 18/12/1980.
- Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ IX tại thành phố Đà Nẵng, vào ngày 18/8/1983.
- Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ X tại thành phố Đà Nẵng, vào ngày 10/9/1988.
- Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XI tại thành phố Đà Nẵng, vào ngày 06/7/1993.
- Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Nam lần thứ XII tại thị xã Tam Kỳ, từ ngày 24 đến ngày 25/6/1998.
- Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Nam lần thứ XIII tại thị xã Tam Kỳ, từ ngày 18 đến ngày 19/6/2003.
- Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Nam lần thứ XIV tại thành phố Tam Kỳ, từ ngày 24 đến ngày 26 /6/2008.
- Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Nam lần thứ XV tại thành phố Tam Kỳ, từ ngày 05 đến ngày 07/ 7/2013.
- Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Nam lần thứ XVI tại thành phố Tam Kỳ, từ ngày 8 đến ngày 10/5/2018.
2. Những chặng đường vẻ vang của Công đoàn tỉnh Quảng Nam
Từ năm 1929 đến năm 1933, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã để lại hậu quả nặng nề cho các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Nhiều ngành sản xuất bị đình trệ, nhiều CNLĐ bị mất việc làm, bị cúp lương.
Giữa lúc đó, vào ngày 28/03/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam ra đời đã trực tiếp lãnh đạo phong trào CNLĐ và tổ chức Công hội đỏ. Kết quả, Công hội đỏ phát triển ở nhiều địa phương, như Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Tam Kỳ và mạnh nhất là tại Hội An.
Trong những năm 1930 - 1931, đội ngũ CNLĐ tỉnh QN-ĐN đã đóng vai trò nòng cốt trong phong trào đấu tranh ủng hộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh bằng các hình thức như tổ chức mít tinh, rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm tại một số điểm giao thông hoặc những nơi có nhiều người qua lại, hội tụ như các trục đường phố lớn, bến đò, nhà ga, rạp chiếu bóng…
Trong những năm 1936 - 1939, Đảng ta có điều kiện hoạt động công khai và lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai, hợp pháp. Nét mới của thời kỳ này là đã có một số chi bộ Đảng được thành lập trong CNLĐ. Trong điều kiện thuận lợi đó, phong trào đấu tranh của CNLĐ tỉnh QN-ĐN đã liên tục nổ ra dưới các khẩu hiệu đấu tranh đòi các quyền về dân sinh, dân chủ, như phong trào Đông Dương Đại hội, phong trào đón Gô - đa, bầu cử các ứng cử viên Mặt trận Dân chủ vào Viện dân biểu Trung Kỳ… Các hội ái hữu ra đời và có vai trò quan trọng trong tập hợp, tổ chức lực lượng công nhân, lao động đấu tranh.
Tiếp theo, trong những năm 1939 - 1945, theo chủ trương mới của Đảng, mục tiêu đấu tranh của CNLĐ và công đoàn là đánh đổ ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân. Theo đó, lần lượt Hội Công nhân phản đế, Hội Công nhân cứu quốc ra đời và phát triển rộng khắp.
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, lực lượng CNLĐ đã tích cực tham gia tổ chức Hội Công nhân cứu quốc, đồng thời tích cực tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, CNLĐ Việt Nam nói chung và CNLĐ tỉnh QN-ĐN nói riêng từ thân phận người nô lệ, bị bóc lột trở thành người công dân của một đất nước độc lập, tự do.
Từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh QN-ĐN đã trưởng thành nhanh chóng về ý thức giai cấp, được tập hợp trong tổ chức công đoàn hoạt động công khai. CNVCLĐ đã tích cực tham gia các phong trào thi đua diệt giặc dốt, diệt giặc đói, bảo vệ chính quyền non trẻ, hăng hái lao động, sản xuất, kể cả sản xuất vũ khí để chuẩn bị kháng chiến.
Để củng cố các tổ chức quần chúng, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, tháng 8/1946, Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Nam quyết định đổi tên Hội Công nhân cứu quốc thành Liên hiệp Công đoàn và giữ nguyên tên gọi Hội công nhân cứu quốc ở các huyện. Đại hội bầu Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh do đồng chí Phạm Tích (Bích) làm Thư ký.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, đội ngũ CNVCLĐ và Công đoàn tỉnh QN-ĐN đã góp phần tích cực cùng nhân dân trong tỉnh tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược. Đội ngũ công nhân đã di chuyển công xưởng, thiết bị vào vùng tự do, khắc phục mọi khó khăn, hăng say lao động sản xuất. Phong trào thi đua của CNVCLĐ vùng tự do diễn ra sôi nổi, nhất là thi đua sản xuất hàng hóa phục vụ kháng chiến, sản xuất vũ khí phuc vụ chiến trường. Đội ngũ công nhân ở vùng tạm chiếm tích cực tham gia kháng chiến bằng các cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, cung cấp tin tức của địch cho cách mạng... Sự tham gia của đội ngũ CNVCLĐ đã góp phần vào những chiến công vang dội của nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh QN-ĐN trong 9 năm tiến hành cuộc kháng chiến ở cả hai vùng tự do và vùng tạm bị chiếm.
Sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/07/1954) được ký kết, trước những âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ, đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh đã sát cánh cùng toàn dân một lần nữa đứng lên đấu tranh chống chế độ độc tài tay sai, chống giới chủ bóc lột, đòi thống nhất nước nhà.
Từ cuối năm 1959, phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Nam có nhiều chuyển biến, chuyển từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang kết hợp với đấu tranh vũ trang. Phong trào đấu tranh ở đô thị kết hợp với phong trào công nhân diễn ra ngày càng sôi nổi. Nhiều tổ chức nghiệp đoàn ra đời để lãnh đạo CNVCLĐ đấu tranh, nhất là ở các đô thị Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ. Các tổ chức nghiệp đoàn ra đời không chỉ giúp CNVCLĐ trong lao động, cuộc sống mà còn là lực lượng quan trọng trong các cuộc đấu tranh chống Mỹ và tay sai.
Để đẩy mạnh vận động CNVCLĐ, năm 1967, Đặc Khu ủy Quảng Đà thành lập Ban Công vận, Tỉnh ủy Quảng Nam thành lập Ban Công vận thị xã Tam Kỳ. Tháng 06/1970, Tỉnh ủy Quảng Nam thành lập Ban Công vận tỉnh. Nhiệm vụ của các Ban Công vận là tập trung tuyên truyền, vận động công nhân tham gia kháng chiến với nhiều hình thức phù hợp.
Sau Hiệp định Pari được ký kết (tháng 01/1973), Liên hiệp Công đoàn giải phóng tỉnh Quảng Nam và đặc khu Quảng Đà được thành lập. Đây là bước ngoặt trong hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ tỉnh Quảng Nam, tạo điều kiện phát triển tổ chức công đoàn ở các đô thị và đẩy mạnh phong trào CNLĐ.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng địa phương, CNVCLĐ Quảng Nam cùng với nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân trong tỉnh, CNVCLĐ Quảng Đà và Quảng Nam đã dũng cảm, kiên cường, tích cực tham gia kháng chiến bằng mọi khả năng, kết hợp với phong trào đấu tranh ở đô thị, phong trào đấu tranh ở nông thôn, đồng bằng, liên tục tiến công địch trên nhiều mặt trận. Những chiến công đó đã góp phần cùng CNVCLĐ, nhân dân miền Nam và cả nước thực hiện mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, vào tháng 10/1975, Liên hiệp Công đoàn giải phóng tỉnh Quảng Nam và Liên hiệp Công đoàn giải phóng đặc khu Quảng Đà sát nhập thành Liên hiệp Công đoàn tỉnh QN-ĐN và đến năm 1977 đổi thành tên thành Liên hiệp Công đoàn tỉnh QN-ĐN. Đây là thời kỳ công đoàn được thành lập ở hầu hết các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, các doanh nghiệp.
Từ trên đỉnh cao của thắng lợi, cùng với nhân dân trong tỉnh, CNVCLĐ bước vào thời kỳ mới - thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; hăng hái tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng lại quê hương. Đội ngũ CNVCLĐ đã có mặt trên khắp các mặt trận của quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, nhất là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, giáo dục, y tế…Cùng trong quá trình đó, đội ngũ CNVCLĐ tỉnh QN- ĐN đã tăng nhanh về số lượng, tổ chức công đoàn cũng được thành lập và phát triển rộng rãi, trở thành một tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi, vững chắc của GCCN và lao động của địa phương.
Sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn và phong trào CNVCLĐ đã góp phần đưa QN-ĐN trở thành tỉnh sớm hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ sản xuất mới và phát triển về mọi mặt của cả nước, nhất là khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.
Từ năm 1986, công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo đã tạo ra một luồng sinh khí mới, khơi dậy tiềm năng, tạo sự chuyển biến cơ bản, sâu sắc trong đời sống xã hội, trong đó có hoạt động của tổ chức công đoàn và phong trào CNVCLĐ. Các cấp công đoàn đã tích cực tham gia tuyên truyền đường lối đổi mới của Đảng, tham gia chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang hoạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, chăm lo đời sống CNVCLĐ; sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho phù hợp sự thay đổi cơ cấu tổ chức của nhiều cơ quan, đơn vị.
Năm 1988, thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam (CĐVN) lần thứ VI, Liên hiệp Công đoàn tỉnh QN- ĐN đổi thành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh QN- ĐN; Liên hiệp Công đoàn các huyện đổi thành LĐLĐ huyện; chức danh Thư ký đổi thành Chủ tịch.
Đây cũng là thời kỳ, công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) đạt kết quả cao. CNVCLĐ của tỉnh đã nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, đi đầu trong việc thực hiện cơ chế mới về quản lý kinh tế, tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển tỉnh QN-ĐN trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện chủ trương sắp xếp công đoàn cấp huyện, mở rộng công đoàn ngành, năm 1996, LĐLĐ tỉnh đã giải thể LĐLĐ các huyện Giằng, Hiên, Phước Sơn, Trà My, Tiên Phước, chuyển CĐCS các huyện này về trực thuộc LĐLĐ tỉnh; giải thể và thành lập ban cán sự công đoàn các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Núi Thành và Thăng Bình; thành lập Công đoàn ngành Xây dựng và Công đoàn Viên chức tỉnh.
Từ ngày 01/01/1997, sau khi tách tỉnh QN -ĐN, Công đoàn tỉnh Quảng Nam được tổ chức theo đơn vị hành hành mới - LĐLĐ tỉnh Quảng Nam.
Hơn 22 năm, Công đoàn tỉnh Quảng Nam đã có bước phát triển vượt bậc về mặt tổ chức, số lượng đoàn viên. Từ chỗ chỉ có 8 LĐLĐ, ban cán sự công đoàn huyện, thị xã với 26.722 đoàn viên, 475 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 30.880 NLĐ, đến cuối năm 2018, cả tỉnh có 23 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (18 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố và 5 công đoàn ngành: Viên chức, Giáo dục, Y tế, Xây dựng, Các Khu công nghiệp), 1.928 CĐCS với 129.863 đoàn viên và gần 150.000 NLĐ, được xếp loại l trong cả nước về quy mô số lượng đoàn viên và CĐCS.
Điều đáng ghi nhận là Công đoàn tỉnh Quảng Nam đã không ngừng nỗ lực, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đã đạt những kết quả đáng mừng.
Đã tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên và người lao động (NLĐ), bởi đây là chức năng trung tâm, mục tiêu hoạt động của công đoàn. Một mặt tích cực chủ động hoặc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản luật liên quan đến quyền lợi hợp pháp của đoàn viên và NLĐ, nhất là Hiến pháp, Bộ luật Lao động và các văn bản khác. Mặt khác phối hợp với các cơ quan chức năng đồng cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động, các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của đoàn viên và NLĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, đã có nhiều hình thức tư vấn pháp luật cho đoàn viên và NLĐ; chỉ đạo phối hợp triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể”.
Không chỉ vậy, các cấp công đoàn còn tham gia việc bảo đảm tiền lương và thu nhập của đoàn viên, NLĐ, tham gia giải quyết việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Đáng lưu ý, CĐCS trong doanh nghiệp đã phối hợp với chủ sử dụng lao động trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh thang, bảng lương, thực hiện lương tối thiểu vùng theo quy định; tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ; kiểm tra, giám sát, tự kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NLĐ.
Duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn ca của NLĐ; tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy”, “Chương trình phúc lợi đoàn viên”, “Mỗi CĐCS - mỗi lợi ích đoàn viên” và những hoạt động chăm lo NLĐ có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết, Tháng Công nhân. Chỉ từ năm 2012 đến năm 2018 đã hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn, tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp, gặp thiên tai, ngư dân gặp khó khăn khi hoạt động trên biển…với tổng số tiền 18 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng trên 400 nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên, NLĐ khó khăn về nhà ở, số tiền trên 13 tỷ đồng.
CNVCLĐ đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo người có công với nước, hàng năm đóng góp hàng trăm triệu đồng cho chương này.
Các cấp công đoàn đã không ngừng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho đoàn viên và NLĐ, nhất là về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vận động đoàn viên học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật nhằm thích ứng với công nghệ, môi trường làm việc công nghiệp.
Công đoàn đã làm nòng cốt trong các phong trào thi đua trong NLĐ. Duy trì các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xanh- sạch- đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”,“Văn hóa, thể thao”,“Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức: “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh triển khai sâu rộng và đem lại hiệu quả tích cực.
Đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cùng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia phản biện các vấn đề kinh tế - xã hội, tham gia góp ý các văn kiện đại hội Đảng các cấp... Đáng lưu ý, hàng năm đã giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp hàng ngàn đảng viên, nhất là trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp.
Công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS đạt kết quả cao, nhất là ở khu vực ngoài nhà nước. Bình quân mỗi năm từ 2014 đến 2018 kết nạp mới trên 12.000 đoàn viên và thành lập 50 CĐCS. Công tác xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh được quan tâm đúng mức. Chất ượng hoạt động của CĐCS được nâng lên, lấy lợi ích làm điểm tập hợp, thu hút NLĐ; tỷ lệ CĐCS đạt vững mạnh hàng năm đạt trên 81,6%. Công tác quản lý đoàn viên đi dần vào nề nếp, đã triển khai chương trình phần mền quản lý đoàn viên, tiến hành đổi thẻ đoàn viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn được tiến hành thường xuyên, đội ngũ cán bộ chuyên trách công đoàn đều đạt chuẩn theo quy định. Việc sắp xếp hệ thống tổ chức công đoàn được tiến hành nghiêm túc, giải thể 6 công đoàn ngành, chuyển tất cả CĐCS trực thuộc LĐLĐ tỉnh quản lý về LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành quản lý và chỉ đạo; giải thể công đoàn giáo dục ở các địa phương.
Công tác nữ công ngày càng đem lại hiệu quả, thiết thực, nhất là tham gia chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nữ CNVCLĐ; có nhiều hình thức giúp các chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống; hỗ trợ hàng ngàn con công nhân lao động vượt khó học giỏi.
Công tác tài chính công đoàn ngày càng đi vào nề nếp, đảm bảo đúng quy định của Tổng Liên đoàn và quy định của Chính phủ. Đã phân cấp quản lý tài chính 22/23 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. LĐLĐ tỉnh tự cân đối được nguồn thu, chi và thực hiện nghĩa vụ nộp tài chính về Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Công tác kiểm tra, giám sát công đoàn đã tập trung kiểm tra Điều lệ Công đoàn Việt Nam (CĐVN), kiểm tra việc thu, phân phối, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, góp phần làm lành mạnh tài chính công đoàn.
Quan hệ đối ngoại bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, nhất là đối với Liên hiệp Công đoàn tỉnh Sê Koong và Liên hiệp Công đoàn tỉnh Chămpasắc, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Có thể nói các cấp công đoàn tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, qua đó không ngừng nâng cao vị trí, vai trò của mình trong xã hội. Điều đáng ghi nhận là chính lực lượng NLĐ do công đoàn trực tiếp tổ chức hoạt động đã đóng vai trò chủ yếu trong việc góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam trong hơn 20 năm qua.
Với những thành tích trên, các cấp công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đã được Đảng, Nhà nước và các cấp tặng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý: Cờ thi đua Chính phủ (2010, 2015 ), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2011), Huân Chương Độc lập hạng Ba (2004) và hàng trăm huân chương, bằng khen, cờ thi đua xuất sắc khác.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động của Công đoàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế. Công tác đại diện, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và NLĐ chưa đem lại hiệu quả cao. Các chương trình phúc lợi đoàn viên triển khai chưa nhiều. Một số nội dung trong các phong trào thi đua còn mang tính hình thức. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở khu vực ngoài nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn... Nguyên nhân của thực trạng trên là do việc thực hiện quy chế dân chủ trong nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo theo quy định; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lao động chưa thường xuyên, không kịp thời và thiếu kiên quyết. Vai trò của CĐCS trong thương lượng tập thể và tham gia giải quyết các tranh chấp lao động, lãn công và ngừng việc tập thể chưa được phát huy; đội ngũ cán bộ CĐCS đều là người được chủ sử dụng lao động trả lương, nên luôn ở thế yếu, ngại đối thoại, không dám đấu tranh; sô lượng biên chế cán bộ chuyên trách công đoàn quá ít.
3. Một số kinh nghiệm
Quá trình hoạt động của Công đoàn tỉnh Quảng Nam trong 90 năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
- Tuân thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của công đoàn cấp trên và sự lãnh đạo của cấp ủy; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Dù ở thời kỳ nào, lúc còn hoạt động bí mật hay công khai, hoạt động của Công đoàn tỉnh Quảng Nam luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy và sự chỉ đạo, hướng dẫn của công đoàn cấp trên. Sự lãnh đạo của cấp ủy là toàn diện và tuyệt đối, nhất là về công tác chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức, cán bộ. Do tính đặc thù của tổ chức công đoàn nên công đoàn cấp trên không chỉ hướng dẫn về chuyên môn mà còn cả công tác tổ chức, cán bộ, tài chính. Do vậy, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của công đoàn cấp trên và sự lãnh đạo của cấp ủy là điều kiện đảm bảo cho công đoàn hoạt động đúng mục đích đề ra.
Cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của phong trào cách mạng. Nhận thức điều này, các cấp công đoàn luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, đặc biệt là đối với cán bộ CĐCS. Yêu cầu trong đào tạo, bồi dưỡng là xây dựng cho được đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp vừa có năng lực, vừa có phẩm chất, nhiệt tình, có phương pháp vận động quần chúng, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn còn quan tâm động viên về tinh thần và vật chất cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ CĐCS để họ gắn bó hơn với tổ chức của mình, hết lòng hết sức phục vụ CNVCLĐ.
- Thực hiện tốt công tác phối hợp; tranh thủ các nguồn lực để tổ chức phong trào CNVCLĐ, nhất là chăm lo đời sống đoàn viên và NLĐ
Bất kể thời kỳ nào, lúc thuận lợi cũng như khó khăn, việc phối hợp công tác là một trong những phương pháp hoạt động được các các cấp công đoàn quan tâm. Điều này sẽ tạo thêm nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ. Nói cách khác, việc phối hợp với các cấp chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban, ngành liên quan sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp tổ chức công đoàn hoàn thành nhiệm vụ của mình. Việc phối hợp này thông qua quy chế, chương trình công tác, kế hoạch hoạt động chung.
Bên cạnh đó, kiến nghị chính quyền, các đơn vị liên quan về cơ chế chính sách, điều kiện vật chất nhằm tạo thuận lợi cho công đoàn hoạt động. Nhờ đó, hàng năm, ngân sách nhà nước các cấp đều hỗ trợ cho các hoạt động của công đoàn. Đáng kể là kinh phí phục vụ cho cho các hoạt động giám sát, xây dựng các thiết chế công đoàn, xây dựng cơ sở làm việc, kinh phí phục vụ các kỳ đại hội, hoạt động tuyên truyền kỷ niệm, nghiệp đoàn Nghề cá…
Đáng kể đã phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, đảm bảo các quyền lợi của NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, thu kinh phí công đoàn.
Những sự phối hợp đó đã giúp công đoàn triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời qua đó nâng cao vị thế và uy tín của công đoàn trong CNVCLĐ và trong xã hội.
- Thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động
Đổi mới nội dung và phương thức là một yêu cầu trong hoạt động của các cấp công đoàn. Đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn và thu hút, tập hợp NLĐ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, cần đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền để tập hợp giáo dục NLĐ, thuyết phục người sử dụng lao động ủng hộ công tác phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp, nhất là là ở khu vực ngoài Nhà nước.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn luôn chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, nhất là ở cấp cơ sở. Mỗi cấp công đoàn đều có tính kế hoạch hóa trong công tác, xây dựng chương trình, kế hoạch tháng, quý, 6 tháng và năm; biết chọn những công việc trọng tâm, trọng điểm ở các thời gian thích hợp để tổ chức thực hiện các phong trào, tăng cường đi cơ sở; tổ chức giao ban và ưu tiên giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc ở cơ sở, nhất là tranh chấp lao động.
Một chủ trương đúng là phải xuất phát từ cơ sở và phải được cơ sở, thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá. Hơn nữa, nội dung phải thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo đoàn viên, CNLĐ. Mọi hoạt động công đoàn phải xuất phát từ lợi ích của đoàn viên, song phải giáo dục cho đoàn viên về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước, với cơ quan, doanh nghiệp; động viên đoàn viên CNVCLĐ nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết nội bộ, phát huy tinh thần dân chủ, sự chủ động, sáng tạo để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Mặt khác, nội dung, tiêu chí đánh giá phong trào phải cụ thể theo đặc điểm của lĩnh vực, địa bàn; đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời, từ đó duy trì và đẩy mạnh phong trào.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt, phát hiện và xử lý các đơn vị, cá nhân vi phạm; nhân rộng điển hình
Công đoàn thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát là thực hiện quyền của mình đã được pháp luật và Điều lệ CĐVN công nhận, nhằm góp phần thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ.
Công tác kiểm tra của công đoàn tùy theo từng cấp, từng nội dung để giao cho ban chấp hành, ban thường vụ hoặc ủy ban kiểm tra. Nội dung kiểm tra, tập trung vào việc chấp hành Điều lệ CĐVN, việc thực hiện quy chế làm việc, công tác quản lý tài chính, tài sản, chấp hành kỷ luật tài chính, chế độ kế toán công đoàn; nội dung giám sát tập trung vào thực hiện pháp luật lao động.
Thực tế từ năm 1997 đến năm 2018, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của các công đoàn tỉnh Quảng Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ CĐVN và nhiệm vụ của đơn vị, góp phần đẩy mạnh phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn.
Để thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, điều đầu tiên là phải nâng cao nhận thức về vị trí, chức năng, vai trò, trách nhiệm, ý nghĩa và tác dụng của công tác kiểm tra công đoàn. Kế hoạch phải cụ thể, mốc thời gian kiểm tra phải rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Muốn thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát điều cần quan tâm nữa là phải thường xuyên kiện toàn, củng cố ủy ban kiểm tra đủ số lượng, bố trí cán bộ làm kiểm tra phải là những người có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức toàn diện về các lĩnh vực kiểm tra, thanh tra, giám sát; có phẩm chất, đạo đức, nghề nghiệp, nhiệt tình trong hoạt động, công tâm, trung thực, khách quan và mạnh dạn đấu tranh với các biểu hiện hành vi, vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ CĐVN. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra và tạo mọi điều kiện có thể cho cán bộ kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.
Kinh nghiệm nữa là hoạt động kiểm tra phải linh hoạt, đúng quy định của pháp luật, quy trình kiểm tra của công đoàn, vận dụng đồng bộ các hình thức kiểm tra, cải tiến tổ chức hoạt động kiểm tra. Công tác kiểm tra tài chính phải trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn, đảm bảo được mục đích yêu cầu, nội dung kiểm tra phải đem lại hiệu quả thiết thực sau các cuộc kiểm tra.
Giám sát là một nhiệm vụ trong công tác kiểm tra nói chung của các cấp công đoàn. Kinh nghiệm cho thấy muốn làm tốt công tác này, điều cần thiết là phải nắm bắt phạm vi của công tác giám sát, chọn nội dung phù hợp và có sự phối hợp với các ngành, nhất là các ngành liên quan đến pháp luật lao động và chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua kiểm tra, thanh tra, giám sát, cần phát huy ưu điểm, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, nếu vi phạm phải kiên quyết xử lý để công tác kiểm tra có tác dụng răn đe, giáo dục.
Khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến là một hình thức nhằm ghi nhận những đóng góp trong phong trào CVVCLĐ và hoạt động công đoàn của các cá nhân, đơn vị. Điều này có tác dụng khích lệ phong trào, động viên mỗi tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều sáng kiến cải tiến nâng cao năng suất, hiệu quả công việc. Việc này được gắn với các phong trào thi đua, gắn với tổng kết phong trào theo định kỳ, theo chuyên đề. Các nhân tố điển hình được tuyên truyền, giới thiệu một cách rộng rãi để mọi tập thể, cá nhân có thể học tập, làm theo. Thực tế cho thấy công tác này đã có tác dụng thiết thực, hiệu quả, tác động tích cực đến mọi phong trào,
Với 90 năm lịch sử, với kinh nghiệm tổ chức hoạt động, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ và phối hợp của chính quyền và các ban, ngành, địa phương liên quan, Công đoàn tỉnh Quảng Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ vừa là đoàn thể nhân dân, vừa là tổ chức đại diện cho NLĐ./.
[1] .Từ năm 1977 trở về trước, Công đoàn tỉnh Quảng Nam đã tổ chức 4 kỳ đại hội. Tuy nhiên khi tổ chức Đại hội lần thứ VII, không biết trên cơ sở nguồn tư liệu nào, một số đồng chí cán bộ nguyên lãnh đạo Khu ủy 5 về dự chỉ đạo Đại hội đã cho đây là Đại hội lần thứ VII, không phải là Đại hội lần thứ V.