Chi tiết tin

LĐLĐ HUYỆN ĐẠI LỘC VỚI CÔNG TÁC “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỐI THOẠI GẮN KẾT NGƯỜI LAO ĐỘNG VỚI CHỦ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG”

Người đăng: Admin Công đoàn Ngày đăng: 7:48 | 08/11 Lượt xem: 505

Đối thoại xã hội có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu đời ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước công nghiệp phát triển. Tại Việt Nam, Chính phủ quy định đối thoại tại nơi làm việc là việc trao đổi trực tiếp giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) với người lao động (NLĐ) hoặc đại diện tập thể lao động với NSDLĐ nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa NSDLĐ và NLĐ để bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Thực tế cho thấy, hoạt động đối thoại không ngừng tăng cả chiều rộng và chiều sâu. Năm 2021, áp dụng Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 thay cho Nghị định số 149/2018/NĐ-CP, ngày 07/11/2018 về quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc đã xuất hiện nhiều đối tượng gọi là người sử dụng lao động nên các cuộc đối thoại tăng lên và đa dạng hơn. Cụ thể qua khảo sát cuối năm 2023 thống kê cho thấy trên địa bàn huyện Đại Lộc có hơn 200 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tổ chức đối thoại thông qua gặp gỡ các tổ nhóm, công đoàn (nơi có tổ chức công đoàn), thông qua hợp đồng, thuê mướn lao động để trao đổi, thông qua tổng kết cuối năm để công khai và hỏi đáp hay giám đốc cho phép nhắn tin qua điện thoại về những vấn đề mà cả người lao động và người sử dụng lao động quan tâm để giải quyết kịp thời. Như vậy, không chỉ người sử dụng lao động mà ngay bản thân những người lao động cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc đối thoại tại doanh nghiệp. Dù mỗi DN hoạt động kinh doanh có khác nhưng công tác đối thoại ở nơi làm việc của mỗi DN là sự cần thiết của đôi bên để tìm tiếng nói chung trong quan hệ lao động.
Hình ảnh CNLĐ tham gia phát biểu đối thoại
Trên thực tế, quan hệ giữa NSDLĐ và NLĐ bao giờ cũng có thể xuất hiện những bất đồng trong việc bảo vệ lợi ích mỗi bên và công đoàn cơ sở (CĐCS) chính là sợi dây gắn kết, góp phần hài hòa quyền lợi chính đáng cho cả hai phía. Từ những cuộc đối thoại, những hoạt động đồng hành, sẻ chia được tổ chức thời gian vừa qua, niềm tin vào tổ chức Công đoàn của người lao động, của doanh nghiệp đang ngày càng được củng cố. Đặc biệt, điều đó đã hạn chế đáng kể tình trạng ngừng việc tập thể và tranh chấp lao động xảy ra trên địa bàn. Đối thoại tại nơi làm việc chính là chìa khóa để cân bằng lợi ích giữa người lao động và chủ doanh nghiệp trong các mối quan hệ lao động, đồng thời tôn trọng các chuẩn mực của văn hóa, ứng xử chung tại nơi làm việc vì sự phát triển của DN và vì lợi ích của NLĐ là điều cần thiết ở từng DN hiện nay.
Thực hiện các quy định pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, đến nay trên địa bàn huyện Đại Lộc có 25/26 DN có tổ chức công đoàn xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Trong đó Công ty cổ phần, TNHH, doanh nghiệp tư nhân có 20/20 đạt 100%; DN có vốn đầu tư nước ngoài 03/04 đạt 75 %; HTX 02/02 đạt 100%. Tất cả các DN đều có xây dựng quy chế đối thoại tại nơi làm việc, bầu thành viên tổ đối thoại và tham gia tổ chức đối thoại định kỳ được 24 cuộc, đối thoại đột xuất 30 cuộc.
Qua đối thoại sẽ tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của DN, từ chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, giúp người lao động an tâm làm việc, gắn bó với DN, là giải pháp tốt nhất nhằm tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động, qua đó thúc đẩy sản xuất ngày càng phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ.
Bên cạnh đó, công đoàn các cấp đã tham mưu, phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với CNVCLĐ; qua đó những kiến nghị, bức xúc của CNVCLĐ được giải quyết kịp thời, các khó khăn vướng mắt của DN được chia sẽ, góp phần phát huy dân chủ, giảm tranh chấp lao động tập thể, nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ tại DN.
Để công tác đối thoại trong thời gian đến diễn ra đúng quy trình, đạt mục đích, hiệu quả thì cán bộ CĐCS cần có các kỹ năng, điều kiện sau:
Thứ nhất, kỹ năng đàm phán, thương lượng:
Đòi hỏi các thành viên trước khi vào cuộc đàm phán phải nghiên cứu kỹ, hiểu cặn kẽ tinh thần của nội dung đối thoại và các chế độ, chính sách có liên quan; nâng cao khả năng hùng biện thông qua cách nói, cách diễn đạt, trình bày các nội dung cũng như thực hiện phản biện; đồng thời cần lắng nghe, tiếp nhận đầy đủ các thông tin khi trao đổi trong đối thoại; cân nhắc, xem xét các bằng chứng, các lý lẽ đưa ra cho phù hợp với các văn bản quy định, điều kiện thực tế của DN và tính khả thi khi triển khai. Trong đối thoại phải linh hoạt, mềm dẻo nhưng cũng cần phải kiên quyết bảo vệ mục tiêu đề ra.
Thứ hai, quy trình tổ chức cuộc đối thoại:
Nắm vững quy chế đối thoại, nội dung của cuộc đối thoại cũng như các nguyên tắc phải tuân thủ khi thực hiện đối thoại. Một cuộc đối thoại được tổ chức khi và chỉ khi có Quyết định đối thoại do người sử dụng ban hành. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày hai bên thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, NSDLĐ ra quyết định bằng văn bản tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Quyết định tổ chức đối thoại tại nơi làm việc phải được gởi đến Chủ tịch công đoàn cơ sở và các thành viên tham gia đối thoại ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tổ chức đối thoại.
Thứ ba, cách thức phối hợp điều hành cuộc đối thoại:
Mỗi cuộc đối thoại được tổ chức đã có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định như nội dung đối thoại, địa điểm đối thoại, thời gian tổ chức đối thoại, thành phần của các bên tham gia… do đó, cần phải có sự phối hợp điều hành của các bên trong cuộc đối thoại. Theo quy định, tổ chức đại diện cho tập thể lao động có trách nhiệm phối hợp với NSDLĐ chủ trì đối thoại, cử thư ký ghi chép diễn biến cuộc đối thoại, thống nhất bên nào trình bày trước, bên nào trình bày sau, cùng nhau trao đổi thông tin có liên quan tới nội dung cuộc đối thoại.
Thứ tư, kỹ năng tập hợp thu thập thông tin:
Khi nhận được thông tin, cần phải xác định được những thông tin nào liên quan và hỗ trợ cho việc đối thoại; kiểm tra kỹ nguồn thông tin, đảm bảo về độ chính xác và có căn cứ cần thiết của những thông tin thu thập; lựa chọn các thông tin, số liệu có tính thuyết phục để sử dụng, loại trừ những thông tin, số liệu có khả năng làm sai lệch hoặc không có tính thuyết phục khi đàm phán, thương lượng trong đối thoại. Từ những thông tin thu thập được và đã có sự chọn lọc, công đoàn tập hợp, xây dựng nội dung đối thoại, sau đó Chủ tịch công đoàn cơ sở gửi nội dung đối thoại cho NSDLĐ và thông báo cho NLĐ biết.
Ngoài các kỹ năng, điều kiện cần có trong đối thoại, cán bộ công đoàn cơ sở, công nhân lao động trong tổ đối thoại cần nắm vững về pháp luật lao động, phải vì quyền lợi hợp pháp của NLĐ; phải gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của NLĐ để tổng hợp, chủ động đề xuất nội dung đối thoại. Cùng với đó, Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải nhìn nhận, đánh giá khách quan, chính xác về tình hình sản xuất kinh doanh của DN để đưa ra nội dung đối thoại phù hợp. Không nên đấu tranh một chiều, chỉ quan tâm đến quyền lợi của NLĐ mà không chú trọng đến lợi ích của DN để xây dựng môi trường lao động ổn định, bền vững.
Trong bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là thực hiện Chương trình số 10-CTr/HU, ngaỳ 10/01/2022 của Huyện ủy Đại Lộc về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị và Chương trình số 09-CTr/TU ngày 5/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, các cấp công đoàn huyện cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó tăng cường tổ chức các hoạt động đối thoại bảo vệ quyền và lợi ích NLĐ, để tổ chức Công đoàn thực sự là chỗ dựa, tổ ấm của đoàn viên và NLĐ, là trung tâm quy tụ NLĐ, gắn kết với NSDLĐ để cùng có tiếng nói chung. Qua đó khẳng định vị thế, uy tín của tổ chức công đoàn Việt Nam trong hệ thống chính trị.

Tác giả: Khắc Xuyên

Nguồn tin: LĐLĐ huyện Đại Lộc

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:





Truyền hình lao động và công đoàn


    Liên kết website

    BẢN QUYỀN LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NAM
    Giấy phép :15/GP-TTĐT
    Địa chỉ : 10 Trần Phú - TP.Tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam
    Điện thoại : 02353.852.510 - Fax : 02353.812.395
    Email: congdoanqnam@gmail.com
    Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

    Tổng số lượt truy cập

    00005798394