Chi tiết tin

CÔNG ĐOÀN QUẢNG NAM VỚI CÔNG TÁC CHĂM LO, BẢO VỆ QUYỀN LỢI ĐOÀN VIÊN, NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI ĐẠI DỊCH COVID-19

Người đăng: Admin Công đoàn Ngày đăng: 16:33 | 29/04 Lượt xem: 2284

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra và diễn biến phức tạp, đã có 118 người nhiễm bệnh, 03 người tử vong., nhiều công ty, xí nghiệp, nhà máy ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, người lao động không có việc làm, không có thu nhập, đời sống rất khó khăn cần phải được quan tâm chăm lo. Tính đến ngày 15/4/2021, toàn tỉnh có 20.909 công nhân lao động bị ảnh hưởng, tập trung ở các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, may mặc, da giày, chế biến, chế tạo… Người lao động gặp khó khăn cả về việc làm, thu nhập. Thời gian tới, nhiều doanh nghiệp sản xuất gia công hàng xuất khẩu không có đơn hàng mới, trong khi hàng đã sản xuất bị lưu kho, nên số lượt người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể tăng thêm.

Nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, LĐLĐ tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định 1921/QĐ-TLĐ, ngày 12/01/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ nguồn tài chính công đoàn và đã có 1.739 CNLĐ được hỗ trợ với tổng kinh phí là 1,739 tỷ đồng; Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành đã chủ động trích ngân sách công đoàn để hỗ trợ kịp thời người lao động có hoàn cảnh khó khăn ngay từ đầu mùa dịch. Tổ chức vận động quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hệ thống Công đoàn với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng; hàng trằm ngàn chiếc khẩu trang y tế, khẩu trang vải, nước rửa tay và xà phòng… đã được phát miễn phí tới người lao động. Phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lắp đặt cây ATM gạo, bán hàng giảm giá, phiên chợ 0 đồng; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ, điện, nước sinh hoạt cho đoàn viên, người lao động; thương lượng với người sử dụng lao động để sắp xếp, bố trí các phương án lao động phù hợp, bảo vệ việc làm cho người lao động; Tư vấn, hướng dẫn hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và giải đáp thắc mắc của người lao động nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động, tránh xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Chủ động phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, có phương án cho người lao động nghỉ luân phiên, hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm để đảm bảo thu nhập của người lao động không thấp hơn lương tối thiểu vùng… Bên cạnh đó, các cấp công đoàn triển khai thực hiện Công văn số 245/TLĐ, ngày 18/3/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Từ giữa tháng 4/2021, tình hình dịch Covid-19 ở các nước láng giềng nước ta đang có nhiều diễn biến phức tạp, do vậy, với tinh thần chống dịch như chống giặc, trong thời gian đến, các cấp công đoàn cần phải tăng cường tuyên truyền đến đoàn viên và người lao động thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế: Đeo khẩu trang thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác; không tụ tập đông người và thực hiện khai báo y tế trung thực. Tổ chức đối thoại giữa công đoàn và các cơ quan chức năng để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Phối hợp với doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Phối hợp với doanh nghiệp trong việc sắp xếp lại sản xuất, nhân sự, đổi mới quy trình, tìm kiếm thị trường; phát động phong trào thi đua nâng cao năng suất; Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống công đoàn để dành nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên và người lao động.
Virus SARS-CoV-2 không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân, mà còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế và thị trường lao động trên toàn thế giới. Chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với doanh nghiệp vẫn còn chất chồng. Muốn vượt qua khó khăn, thách thức đó, thiết nghĩ Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về lao động và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm đề ra các giải pháp, biện pháp tốt nhất để tổ chức thực hiện tốt công tác chăm lo cho người lao động giúp người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để người lao động an tâm công tác, trách nhiệm với công việc và gắn bó mật thiết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp./.  

Tác giả: Dương Tấn Ó

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:





Truyền hình lao động và công đoàn


    Liên kết website

    BẢN QUYỀN LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NAM
    Giấy phép :15/GP-TTĐT
    Địa chỉ : 10 Trần Phú - TP.Tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam
    Điện thoại : 02353.852.510 - Fax : 02353.812.395
    Email: congdoanqnam@gmail.com
    Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

    Tổng số lượt truy cập

    00005399527