Chi tiết tin

TĂNG CƯỜNG THAM GIA THANH TRA, KIỂM TRA VÀ TỔ CHỨC GIÁM SÁT CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN – GÓP PHẦN BẢO VỆ QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG CỦA ĐOÀN VIÊN, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG

Người đăng: Nguyễn Thị Thu Hiền Ngày đăng: 9:04 | 09/09 Lượt xem: 1349

Quyền “tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp” của tổ chức Công đoàn được quy định tại Điều 1 Luật Công đoàn năm 2012 và Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Theo đó, quyền tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn bao gồm: Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Khi tham gia, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát, Công đoàn có quyền: yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan; kiến nghị biện pháp sửa chữa thiếu sót, ngăn ngừa vi phạm, khắc phục hậu quả và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; trường hợp phát hiện nơi làm việc có yếu tố ảnh hưởng hoặc nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng người lao động, Công đoàn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động.
Để phát huy quyền nêu trên, hằng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, đồng thời chỉ đạo các cấp công đoàn tiến hành giám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. LĐLĐ tỉnh đã cử cán bộ tham gia các Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành do Sở LĐTBXH phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh thành lập, từ năm 2019 đến nay đã tham gia thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, công tác ATVSLĐ tại 145 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, nhận thấy việc khắc phục những hạn chế trong chấp hành những quy định của pháp luật lao động đã được các doanh nghiệp thực hiện tốt. Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố với tư cách thành viên Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tích cực tham gia các cuộc kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo phân công của Ban chỉ đạo, ít nhất 1 đơn vị/năm.
Trong những năm qua, các cấp công đoàn toàn tỉnh đã làm tốt công tác giám sát theo quy định tại Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Hướng dẫn số 726/HD-TLĐ ngày 02/6/2014 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về Công đoàn thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Tính từ năm 2019 đến nay, LĐLĐ tỉnh chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở LĐTBXH, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức giám sát 04 cơ quan và 42 doanh nghiệp. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS đã tiến hành giám sát trên 2.300 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở,… và các văn bản có liên quan đến Công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là tiền lương, thu nhập; hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; an toàn vệ sinh lao động; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở,…

LĐLĐ tỉnh giám sát việc chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Công đoàn
và thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị
về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới
đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Giang
Qua hoạt động tham gia thanh tra, kiểm tra và giám sát, các cấp công đoàn đã nắm tình hình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy chế dân chủ ở cơ sở, tình hình thu nhập, đời sống, lao động, việc làm; việc thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động đối với người lao động, từ đó có ý kiến tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có biện pháp thực hiện ngày càng tốt hơn các quy định của Đảng và Nhà nước; công nhân, viên chức, lao động ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện quy chế dân chủ và các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,… Đồng thời chỉ ra những vấn đề đơn vị chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật, từ đó kịp thời hướng dẫn, uốn nắn và chấn chỉnh những việc làm chưa đúng quy định pháp luật hoặc kiến nghị xử lý những hành vi cố tình vi phạm pháp luật lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia công tác thanh tra, kiểm tra và tổ chức hoạt động giám sát của các cấp công đoàn vẫn còn một số hạn chế. Việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng còn ít trong khi số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nhiều; cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ít, việc nhiều nên khó sắp xếp thời gian tham gia các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành,... Nhận thức của một số cán bộ công đoàn về vai trò, tác dụng giám sát của tổ chức Công đoàn chưa đầy đủ, đúng đắn. Hầu hết cán bộ công đoàn cơ sở kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu, triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến chất lượng giám sát. Nội dung, phạm vi, đối tượng được giám sát trong thực tế còn hẹp; hoạt động giám sát tại một số đơn vị còn hình thức; hiệu quả, hiệu lực pháp lý của các cuộc giám sát chưa cao.
Để công tác tham gia kiểm tra, thanh tra liên ngành, chủ trì tổ chức giám sát của các cấp công đoàn ngày càng hiệu quả đòi hỏi các cấp công đoàn phải ngày càng phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, nỗ lực hết mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng theo luật định. Đồng thời cần nhiều hơn nữa sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và các cấp chính quyền./.

Tác giả: Lê Thị Mỹ Linh

Nguồn tin: LĐLĐ tỉnh Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:





Truyền hình lao động và công đoàn


    Liên kết website

    BẢN QUYỀN LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NAM
    Giấy phép :15/GP-TTĐT
    Địa chỉ : 10 Trần Phú - TP.Tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam
    Điện thoại : 02353.852.510 - Fax : 02353.812.395
    Email: congdoanqnam@gmail.com
    Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

    Tổng số lượt truy cập

    00005798465